Sau nhiều năm bén rễ, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân xã Mường É, huyện Thuận Châu, có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mùa này về xã Mường É, dọc hai bên đường là những nương chè xanh uốn lượn theo các sườn đồi, xa xa là những vườn cây ăn quả tươi tốt. Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, anh Quàng Văn Pha, Phó Chủ tịch UBND xã, trao cho chúng tôi chén nước chè thơm phức, phấn khởi khoe: Mời nhà báo thưởng thức sản phẩm chè do chính bà con Mường É làm ra. Toàn xã hiện có hơn 256 ha chè, trong đó, 213 ha đã cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt 1.488 tấn/năm; thu nhập trung bình đạt hơn 60 triệu đồng/ha. Nhờ cây chè mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần từ 62,9% năm 2015 xuống còn 32,3% năm 2023; phấn đấu năm 2024, giảm hộ nghèo từ 5-6% trở lên.
Anh Pha đưa chúng tôi đi thăm một số gia đình trong xã kinh tế khá lên từ trồng chè. Trên đường đi anh kể, cây chè đưa vào trồng ở xã Mường É từ năm 2015, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thí điểm. Nhân rộng mô hình, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con từ khâu trồng, đốn, tỉa cành, đến bón phân, thu hái, bảo quản sản phẩm... Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, cây chè ở Mường É được xác định là cây trồng triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại bản Cả Vai, một trong những bản có diện tích trồng chè nhiều nhất xã, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lò Văn Dủng. Ông Dủng kể: Năm 2015, được cán bộ huyện, xã đến vận động tham gia mô hình trồng thí điểm cây chè; được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc, gia đình tôi chuyển 0,5 ha trồng ngô sang trồng chè. Sau 1 năm trồng, cây chè cho thu hoạch lứa đầu tiên; từ năm thứ 2 trở đi, cho thu hoạch ổn định. Đến nay, gia đình có 1,5 ha chè, năm nay, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên sản lượng giảm hơn mọi năm. Từ đầu năm đến nay, gia đình thu 3 lứa chè, với hơn 1 tấn chè búp tươi, giá bán trung bình 8 nghìn đồng/kg.
Từ hiệu quả kinh tế mô hình của gia đình ông Dủng, đến nay, 100 hộ dân trong bản Cả Vai đã áp dụng làm theo, với quy mô 50 ha cây chè. Theo tính toán của bà con, trồng chè chỉ vất vả lúc mới trồng, khi chè đã bắt đầu cho thu hoạch thì công chăm sóc, làm cỏ, bón phân... giảm rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Cây chè trồng một lần, nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm.
Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, năm 2019, anh Lò Văn Chơ, bản Cả Vai, đã vận động 13 hộ dân trong bản tham gia thành lập HTX Cả Vai, quy mô liên kết sản xuất 20 ha chè. Anh Chơ nói: HTX đã liên kết với cơ sở sản xuất, chế biến chè ở xã Chiềng Pha, Phổng Lái thu mua chè búp tươi cho bà con. HTX hướng dẫn các thành viên chăm sóc, thu hái chè theo lứa, đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt. Từ cây chè, đời sống của thành viên được nâng lên; thu nhập đạt 4 triệu đồng/thành viên/tháng.
Được xã tuyên truyền, năm 2017, gia đình anh Bạc Cầm Hải, bản Chiềng Ve, đã chuyển 3 ha trồng lúa nương, ngô, sắn sang trồng chè Shan tuyết. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích chè của gia đình phát triển tốt. Anh Hải chia sẻ: Trồng chè, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng. Cây chè đã giúp gia đình thoát nghèo nghèo và mua được nhiều vật dụng trong gia đình, như: Xe máy, ti vi, tủ lạnh…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mường É nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, trồng mới thêm 100 ha chè. Theo đó, xã đã vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai đưa cây chè vào trồng. Khuyến khích các hộ liên kết sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và thành lập HTX để mở rộng vùng nguyên liệu; đưa giống có giá trị kinh tế cao như chè Kim Tuyên, Shan tuyết vào trồng. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế vào đầu tư, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu chè Mường É trong thời gian tới.
Triển vọng kinh tế từ cây chè đã và đang mang đến sức sống mới cho quê hương Mường É, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!