Chuyện khởi nghiệp của thanh niên Sơn La

Dám nghĩ, dám làm đã trở thành động lực thay đổi tư duy lập thân, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên các địa phương trong tỉnh. Từ những ý tưởng sáng tạo đến các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, nhiều bạn trẻ không chỉ tạo dựng được nguồn thu nhập bền vững cho bản thân, gia đình, mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm tại địa phương.

Giọng nữ

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Đến bản Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, hỏi thăm Thào A Lo, ai cũng biết, bởi anh là Bí thư Đoàn xã trách nhiệm, lại luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách khi đến trải nghiệm "Sống lưng khủng long", năm 2016, anh Lo đã xây dựng homestay Y Xoa rộng hơn 200 m², với sức chứa tối đa khoảng 40 người. Ngoài cung cấp chỗ ăn, nghỉ, homestay Y Xoa còn giới thiệu cho khách du lịch nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, như: Măng ớt, bánh dày, rượu thóc; trưng bày và bán các mặt hàng thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Homestay Y Xoa của anh Thào A Lo, Bí thư Đoàn xã Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. 

Trong hành trình khởi nghiệp của mình, ngoài phát triển du lịch, anh Lo đã thực hiện 2 mô hình trồng chanh leo và trồng cải trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, do thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp với cây trồng; kinh nghiệm chăm sóc còn hạn chế và do sản xuất nhỏ lẻ khó tiêu thụ, nên cả 2 mô hình đều thất bại. Không bỏ cuộc, anh đã đến các vùng như: Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, khu vực nuôi cá tầm, cá hồi ở tỉnh Lai Châu, tỉnh Lào Cai để tham quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm. 

Năm 2021, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức cuộc thi “Dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên tỉnh Sơn La”, anh Lo đã đăng ký tham gia ý tưởng khởi nghiệp “Phát triển nuôi cá hồi, cá tầm” và đạt giải nhất. Mô hình của anh đã được Trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng.

Từ nguồn vốn được vay, năm 2022, anh Lo đã đầu tư hệ thống ao, cá giống và bắt đầu quá trình nuôi cá nước lạnh ở bản Chống Tra, quy mô  400 m². Với 4.000 con cá giống, quá trình nuôi, khoảng một nửa số cá đã bị chết. Mỗi lần thiệt hại, anh Lo lại rút ra được một bài học kinh nghiệm nuôi cá. Hiện nay, đàn cá bắt đầu phát triển tương đối ổn định, mỗi năm xuất bán khoảng 1 tấn cá tầm và cá hồi, thu lãi gần 100 triệu, đảm bảo cung cấp nguồn cá phục vụ khách du lịch của homestay Y Xoa và các homestay khu vực xã Háng Đồng, Tà Xùa. Ngoài ra, có thời điểm anh còn xuất bán cá cho các nhà hàng tại khu vực huyện Mộc Châu. 

Mô hình nuôi cá tầm của anh Thào A Lo. 

 Anh Lo cho biết: Từ mô hình của gia đình, tôi đã vận động các hộ dân và đoàn viên trong bản thành lập HTX Nông nghiệp du lịch sinh thái để chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, bản Chống Tra đã xây dựng được 6 homestay. Nguồn cá hồi, cá tầm cũng được tôi cung cấp cho các homestay để phục vụ du khách. Bà con trong bản cùng nhau đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn, quyết tâm xóa đói nghèo.

Tại huyện Mộc Châu, 7 đoàn viên thanh niên phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu đã cùng thành lập HTX thanh niên Mộc Châu. Hợp tác xã có 7 thành viên, trong đó có 3 kỹ sư, 1 thạc sĩ nông nghiệp phụ trách kỹ thuật canh tác; 1 maketing phụ trách bán hàng; các thành viên khác đều là những thanh niên có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Mộc Châu.

Mô hình nhà màng phát triển nông nghiệp sạch của HTX thanh niên Mộc Châu, phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu. 

Anh Phùng Văn Khả, Giám đốc HTX thanh niên Mộc Châu, cho biết: Xuất phát từ mong muốn cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, giải quyết việc được mùa mất giá, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, nâng cao thu nhập… nên chúng tôi đã tập hợp những thanh niên cùng có sở thích về nông nghiệp thành lập HTX, diện tích canh tác 16 ha, trong đó chủ lực là cây mận hậu hơn 10 ha, còn lại là trồng rau màu.

Tất cả diện tích canh tác đều sản xuất trong nhà màng; ứng dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt, hệ thống bón phân tự động. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng vụ rau đầu tiên, hợp tác xã đã kết nối với Công ty TNHH IC Food Sơn La xuất khẩu được trên 100 tấn rau sang thị trường Hàn Quốc. Dự kiến, năm 2025, sản lượng mận của HTX thu khoảng 500 tấn quả và cung ứng hơn 1.000 tấn rau màu cho Công ty TNHH IC Food Sơn La. 

Mô hình trồng cà chua trong nhà màng tại HTX thanh niên Mộc Châu. 

Cùng với 2 mô hình nêu trên, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp từ khai thác tài nguyên bản địa, như: Sản phẩm tỏi đen, đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu; sản phẩm chế biến từ chuối của Hợp tác xã nông sản HT, huyện Mường La; dự án “Phát triển hệ sinh thái du lịch Ngọc Chiến gắn với nông nghiệp an toàn” của thanh niên Lường Văn Xiên, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; anh Là Văn Phong, huyện Quỳnh Nhai với dự án phát triển du lịch lòng hồ thủy điện ở Quỳnh Nhai...

Mỗi một ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên đều có xuất phát điểm và mục tiêu khác nhau, mực dù gặp không ít trở ngại, khó khăn, nhưng những thanh niên ấy đều có một điểm chung là có khát vọng và quyết tâm mạnh mẽ, không vì thất bại mà bỏ cuộc. Từ đó, khởi nghiệp thành công, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ. Riêng năm 2024, từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, có 9 dự án của thanh niên được hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Tổ chức thành công Ngày hội “Gửi tiền tiết kiệm - chung tay vì người nghèo” với số tiền 12 tỷ đồng, đã giải ngân cho 19 dự án khởi nghiệp được vay vốn.

Ngoài ra, còn huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ 171 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên, với kinh phí 500 triệu đồng. Đồng thời, tặng 50 vườn cây sinh kế, 45 cặp dê, bò giống, 10 đàn thỏ và 55 mô hình trồng cỏ giúp thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ 6 sản phẩm OCOP của thanh niên xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, bao bì, in tem.

 Cùng với đó, tổ chức 1 cuộc thi cấp tỉnh và 12 cuộc thi cấp huyện về “Dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên tỉnh Sơn La”. Xây dựng 4 “Sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo” cho hơn 400 lượt ĐVTN. Tổ chức 3 diễn đàn ý tưởng sáng tạo cho 265 ĐVTN. Phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn, hội thảo và 44 hoạt động cơ sở về nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên. Duy trì hoạt động hiệu quả của 28 mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, 19 doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu, thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn và Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La trao hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án, ý tưởng thanh niên khởi nghiệp. Ảnh PV. 

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của ĐVTN trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, như: Một số mô hình do thiếu vốn, thiếu kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp nên chưa hiệu quả; việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về nền tảng khởi nghiệp cho thanh niên còn gặp khó khăn; sắp xếp, bố trí các nguồn lực hỗ trợ cho vay đối với dự án khởi nghiệp đôi khi còn chưa kịp thời; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất chưa cao…

Anh Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ thanh niên đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng. Hỗ trợ, định hướng thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có ý tưởng khởi nghiệp thiết thực, có khả năng nhân rộng.

Tỉnh đoàn chỉ đạo xây dựng và phát triển mạng lưới, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp trong các lĩnh vực để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau hoàn thiện các ý tưởng, các sản phẩm khởi nghiệp. Đẩy mạnh liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

Tổ chức các hoạt động, chương trình, tọa đàm nhằm liên kết, thúc đẩy hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp và thanh niên. Chú trọng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương… 

 Câu chuyện khởi nghiệp là hành trình đầy khó khăn và thách thức, để thành công, đòi hỏi thanh niên phải có ý chí kiên định, vững vàng, dám dấn thân học hỏi, trau dồi kỹ năng, kiến thức, sự nhạy bén trong tiếp cận thị trường. Những mô hình thành công đã và đang khích lệ sự sáng tạo, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng trong thanh niên.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới