Hà Nội hiện có quy mô hơn 2.900 cơ sở giáo dục với 2,3 triệu học sinh và gần 130 nghìn nhà giáo. Để bảo đảm việc tổ chức dạy thêm, học thêm diễn ra minh bạch, phù hợp với quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp với nội dung, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trần Thế Cương cho biết: Đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Về việc tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập.
Tại tỉnh Ninh Bình, ngoài các yêu cầu chung, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu giáo viên dành thời gian cho công tác tự học, tự bồi dưỡng, tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được nhà trường giao. Các trường học phải lập danh sách giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bao gồm: Họ tên giáo viên, môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm, báo cáo về cơ quan quản lý giáo dục cấp trên theo hai đợt, đợt một trước ngày 25/2 và đợt hai trước ngày 31/5.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng vừa thành lập ba đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 28/2. Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổ chức kiểm tra đột xuất các trường thuộc quận, huyện địa bàn được giao, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, hàng loạt Sở Giáo dục và Đào tạo khác cũng đã ban hành công văn chỉ đạo về triển khai thực hiện Thông tư 29 gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, trường học vừa bảo đảm thực hiện hiệu quả các quy định của Thông tư 29, vừa tạo thuận lợi để các trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Ngay khi quy định của Thông tư 29 có hiệu lực và hướng dẫn của sở cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường đã triển khai các bước để thực hiện nghiêm các quy định về dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo đảm chất lượng dạy và học cũng được triển khai các bước để có thể ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Điểm đáng chú ý là năm học 2024-2025 này, nhà trường có 174 học sinh lớp 9, đây là nhóm học sinh cần được quan tâm đặc biệt do chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trước mắt, trường cử giáo viên hướng dẫn các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu, ôn tập, đồng thời giao đề ôn luyện để củng cố kiến thức; tổ chức ôn tập hai môn Toán, Ngữ Văn với 2 tiết/tuần, bảo đảm học sinh được hệ thống lại kiến thức một cách bài bản và hiệu quả theo đúng các quy định của Thông tư 29.
Cùng với sự triển khai tích cực của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng để thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm cũng cần có sự đồng hành của các bậc cha mẹ, nhất là cần yên tâm về chất lượng dạy học tại nhà trường, tránh tâm lý lo lắng rằng con không đi học thêm sẽ bị thua kém, khi điểm số vẫn là áp lực đè nặng lên học sinh. Ngành Giáo dục, mỗi nhà trường, thầy cô khi đánh giá học sinh cần chuyển dần từ nặng về điểm số sang đánh giá năng lực phẩm chất, giảm bớt tâm lý chạy theo thành tích. Cần xây dựng niềm tin rằng học sinh hoàn toàn có thể tiếp thu kiến thức đầy đủ ngay trong giờ học chính khóa, thay vì phải phụ thuộc vào học thêm.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, về lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, ngành Giáo dục sẽ đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh. Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cụ thể: như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố... Ngoài ra, quá trình triển khai thực tiễn, sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!