Với phương châm “Nhân dân cần gì học nấy”, những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các lớp học; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 204 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn. Hàng năm, các trung tâm thực hiện điều tra nhu cầu học tập của bà con. Trên cơ sở đó, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện của từng nhóm đối tượng. Chủ yếu là xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ; chuyển giao kỹ thuật lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, phi nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn mới…
Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn được duy trì đã tạo thuận lợi cho nhân dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hoạt động của các trung tâm đã giúp bà con nâng cao trình độ văn hóa, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống.
Thành lập năm 2014, Trung tâm học tập cộng đồng phường Chiềng An, Thành phố, là một trong những trung tâm hoạt động hiệu quả. Bà Lò Thị Bua, Phó Chủ tịch UBND phường, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường, chia sẻ: Ngoài tổ chức các lớp tuyên truyền kiến thức pháp luật, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy xòe Thái, Vũ điệu kết đoàn và lớp học chữ Thái phục vụ nhu cầu của bà con, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Ông Hòa Quang Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Sông Mã, thông tin: Năm 2021, Hội Khuyến học huyện đã phối hợp với xã Chiềng Sơ thực hiện thí điểm mô hình “Đưa trung tâm học tập cộng đồng cấp xã về bản” tại bản Phiêng Xa, bản Luấn. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ra các xã Chiềng Khương, Mường Hung, Nậm Ty. Nhờ vậy, số lượng bà con đến các lớp tập huấn, hội nghị nhiều hơn, nhất là các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất.
Năm 2018, gia đình chị Bàn Thị Loan, bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cây mận và cây cam. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên hiệu quả kinh tế không cao. Chị Loan cho biết: Giữa năm 2022, tôi được tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả do Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức. Tôi đã áp dụng cải tạo lại vườn cây để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, gia đình tôi đang chuẩn bị cây giống và phân bón để tiếp tục chuyển đổi 0,5 ha đất trồng ngô sang trồng cây mận hậu.
Qua đánh giá, toàn tỉnh có 11 trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tốt; 179 trung tâm khá và 14 trung tâm trung bình. Tuy nhiên, một số trung tâm học tập cộng đồng còn thiếu cơ sở vật chất; trang thiết bị xuống cấp. Nội dung, hình thức hoạt động chưa phong phú. Kinh phí hoạt động hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng… Khắc phục những hạn chế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, đầu tư nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, tổ chức các hoạt động của trung tâm…, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!