Đảm bảo sức khỏe học sinh những ngày giá rét

Những ngày này, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng mạnh của đợt đậm, rét hại, có nơi vùng núi cao nhiệt độ phổ biến từ 3 đến 5 độ C, tác động trực tiếp đến sức khỏe, học tập của học sinh. Nền nhiệt vùng cao duy trì ở mức thấp, một số trường đã cho học sinh nghỉ học. Còn ở những trường đang duy trì hoạt động dạy và học, các thầy, cô triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo giữ ấm cho học sinh.

Thuận Châu có 78 trường học từ bậc mầm non đến THCS, với gần 50.000 học sinh, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động các phương án ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại để việc dạy và học không bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường kiểm tra, sửa chữa các phòng học và phòng ở bán trú, đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Quan tâm chế độ ăn uống, mặc đủ ấm và đảm bảo chăn, đệm cho từng học sinh. Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh có các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh.

Đoàn tình nguyện tặng áo phao, chăn ấm cho các em học sinh trường PTDT Bán trú THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu

Tại Trường THCS Nậm Lầu, huyện Thuận Châu có 516 học sinh, trong đó gần 200 học sinh ở bán trú, hầu hết các em nhà ở xa. Các thầy, cô giáo luôn dành thời gian, sự quan tâm, chăm sóc để giúp học trò bảo vệ sức khoẻ trong những ngày đông giá rét. Cô giáo Lường Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Những ngày qua liên tục có các đợt không khí lạnh tăng cường. Nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết và rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất lớp học, phòng ở bán trú của học sinh; chuẩn bị cho học sinh ở bán trú đủ chăn ấm, đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Mùa đông năm nay, trường đã tiếp nhận 6.214 chiếc áo ấm; khăn len, mũ len, chăn ấm từ các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh gửi ủng hộ các em học sinh.

Em Giàng Thị Chia, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nậm Lầu, cho biết: Mỗi đợt lạnh, chúng em đều được các thầy cô giáo thông báo trước, để chuẩn bị quần áo ấm; nhắc nhở hạn chế ra ngoài vào những ngày rét đậm. Thầy cô còn kêu gọi từ thiện ủng hộ quần áo, chăn ấm cho chúng em đủ ấm trong mùa đông, có sức khoẻ để học tập.

Cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Mường Lạn kiểm tra cơ sở vật chất phòng ở bán trú của học sinh.
Ảnh Mạnh Hùng

Duy trì việc học, cũng như bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong mùa đông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện các biện pháp bảo vệ, giữ ấm cho học sinh khi đến lớp học. Rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường như cửa ra vào, cửa lùa, cửa chớp, cửa sổ (các lớp học, khu ký túc xá đối với các trường có tổ chức cho học sinh nội trú, bán trú) che chắn kín gió, đảm bảo ánh sáng để học tập.

Riêng các trường có tổ chức cho học sinh nội trú, bán trú thực hiện việc cấp, phát đồ dùng cá nhân (chăn) cho học sinh đảm bảo đầy đủ. Hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn phòng độc khi sử dụng củi, than, điện để sưởi ấm. Ban hành qui định, hướng dẫn an toàn và giám sát việc sử dụng điện tại các khu vực ký túc xá của học sinh.

Trong những ngày rét đậm, rét hại, nước đóng băng, tuyết rơi, nhiệt độ thấp, các trường không tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoài trời. Hiệu trưởng các nhà trường căn cứ tình hình thời tiết thực tiễn có thể cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch dạy bù, đồng thời báo cáo với các cấp quản lý trực tiếp.

Các đơn vị tình nguyện trao áo ấm cho học sinh Trường tiểu học Nậm Lầu, huyện Thuận Châu.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Từ ngày 22 đến ngày 26/1, do nhiệt độ xuống thấp nhiều trường đã cho học sinh nghỉ học và tuyên truyền đến phụ huynh học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho con em tại gia đình. Toàn tỉnh đã có 139 trường học của các khối mầm non, tiểu học và THCS cho hơn 56.000 học sinh nghỉ học tránh rét; khối THPT có 36 học sinh nghỉ học. Sau khi tổ chức đi học trở lại, các trường xây dựng phương án dạy bù để đảm bảo thời gian kế hoạch năm học.

 Huy động xã hội hóa để có thêm điều kiện phòng chống rét, chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong mùa lạnh là việc làm được nhiều phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, các trường luôn chủ động đảm bảo phòng học, phòng nội trú cùng các hoạt động giáo dục để học sinh không bị lạnh, rét, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, chia sẻ: Trường có 650 học sinh, trong đó 148 học sinh ở bán trú. Sáng và tối, trên này trời lạnh hơn, nhiệt độ xuống khoảng 10 độ C. Nhà trường yêu cầu 100% thầy cô ở lại trường. Các thầy cô thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh mặc áo ấm, không được ra khỏi phòng lúc sáng sớm cũng như buổi tối. Hằng tối, các thầy cô đi từng phòng kiểm tra xem học sinh đủ ấm chưa, có học sinh nào bị ho hay sốt không. Đến ngày 26/1, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt trên 99%.

Ông Lò Trọng Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, thông tin: Năm học 2023-2024, xã có trên 3.100 học sinh ở 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS. Công tác phòng, chống rét được địa phương chú trọng, nhất là đối với học sinh mầm non, tiểu học. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chỉ đạo các trường thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, căn cứ tình hình thực tế điều chỉnh thời gian học phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh mặc ấm cho các em trước khi ra khỏi nhà. Các trường có học sinh bán trú, ở trưa tại trường, kiểm tra phòng ở, đóng kín cửa, có biện pháp chống gió lùa; bố trí đầy đủ chăn màn, xốp trải nền; phục vụ bữa ăn, nước uống ấm nóng, đảm bảo đủ dinh dưỡng.

 Trước thời tiết hiện tại, các trường tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh. Nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho các em luôn được coi trọng, song hành với công tác dạy và học.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới