Phong trào “Tuổi cao gương sáng”

Phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, những năm qua, hội viên người cao tuổi trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương, nhất là phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trở thành gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Giọng nữ
Người cao tuổi bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, trồng cà chua trái vụ.

Ông Trần Bá Cường, người cao tuổi tiểu khu I, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, luôn hăng hái lao động, tìm tòi học hỏi để phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng na. Ông Cường cho biết: Gia đình tôi có 7 ha trồng na sầu riêng, na thái, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Tôi còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả cho nhiều NCT trên địa bàn, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Là hội viên NCT bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, ông Lò Văn Pháng đã đi đầu trong phát triển du lịch ở xã. Ông Pháng chia sẻ: Nắm bắt lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, năm 2020, gia đình tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng làm homestay Hương Rừng, trên diện tích 4.000 m², đáp ứng nhu cầu cho 40 lượt du khách ăn, nghỉ qua đêm. Hằng tháng, homestay đón từ 120-150 lượt khách đến tham quan, ăn nghỉ tại đây, nhất là mùa hoa sơn tra nở, mùa quả sơn tra chín và mùa lúa chín, thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương.

Những năm qua, phong trào thi đua NCT làm kinh tế giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng được các cấp hội NCT triển khai, phát động sâu rộng. Với phương châm hội viên còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh; hội viên tuổi cao sức yếu thì hướng dẫn con cháu kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống, các cấp hội NCT trong toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, khai thác thế mạnh từng khu vực, tạo bước chuyển đổi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hội viên NCT dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Hằng năm, hội NCT các cấp rà soát, đánh giá, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của NCT trên lĩnh vực phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Lê Hữu Đê, Phó trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh, thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60.000 NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; 3.751 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 12.380 lao động. Từ năm 2018 đến nay, có hơn 5.600 lượt người cao tuổi được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 1.590 hội viên NCT trực tiếp tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống, như rèn, dệt may, chế biến thực phẩm, mây tre đan... tạo nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện phong trào “Tuổi cao gương sáng”, NCT trong tỉnh không chỉ phát huy tinh thần, ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới