Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

“Sơn La Tour” – Chắp cánh cho du lịch Sơn La vươn xa 

Hòa cùng xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, ngành du lịch Sơn La đang từng bước bắt nhịp, đổi mới để phát triển bền vững và chuyên nghiệp. Sự ra đời của phần mềm du lịch thông minh “Sơn La Tour” được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong công cuộc số hóa hoạt động du lịch của tỉnh, nâng cao trải nghiệm cho du khách và hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng.

Giọng nữ
Khai trương phần mềm du lịch thông minh “Sơn La Tour”.

Phần mềm du lịch thông minh “Sơn La Tour” là sản phẩm được UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty Cổ phần IGB hợp tác phát triển và chính thức ra mắt vào ngày 8/7/2025. Đây là một hệ sinh thái du lịch thông minh, được xây dựng với mục tiêu kết nối du khách, người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số. Dự án được triển khai với sự quyết tâm cao của tỉnh nhằm đưa du lịch Sơn La lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên công nghệ. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Việc ra mắt “Sơn La Tour” là một dấu ấn chuyển đổi số cụ thể, thiết thực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch Sơn La theo hướng hiện đại, thông minh, thân thiện, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Đây cũng là tiền đề để Sơn La hình thành hệ sinh thái du lịch số, tăng khả năng thu hút du khách, nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương trong giai đoạn mới.

Giới thiệu phần mềm du lịch thông minh “Sơn La Tour”.

“Sơn La Tour” được xây dựng với hệ thống nội dung phong phú, nổi bật là các nhóm nội dung đã được số hóa như: Số hóa địa điểm du lịch và địa danh: Cung cấp thông tin chi tiết, hình ảnh, video về các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh. Số hóa về văn hóa bản địa: Giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em, từ phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Sản phẩm truyền thống: Quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và mua sắm. Du lịch nghỉ dưỡng: Tổng hợp thông tin về các cơ sở lưu trú, từ homestay đến khách sạn cao cấp, kèm theo tiện nghi và dịch vụ. Địa điểm du lịch ẩm thực: Giới thiệu các nhà hàng, quán ăn đặc sản, giúp du khách khám phá hương vị độc đáo của ẩm thực Sơn La.

Đặc biệt, phần mềm được tích hợp nhiều tính năng hiện đại, như: Bản đồ du lịch số, giúp du khách dễ dàng định vị và lên kế hoạch di chuyển; quản lý dữ liệu điểm đến, hỗ trợ các nhà quản lý cập nhật thông tin và thống kê lượng khách; phản ánh thông tin du khách, tạo kênh tương tác hai chiều giữa du khách và cơ quan quản lý; phân tích hành vi người dùng bằng AI, giúp đưa ra các gợi ý và dịch vụ phù hợp.

Đây sẽ là công cụ hiệu quả, một kênh kết nối hữu ích giữa du khách, người dân và doanh nghiệp trên cùng một nền tảng; cung cấp thông tin đa dạng về du lịch, hỗ trợ công tác quản lý du lịch thông minh và là kênh kết nối trực tiếp giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp du lịch.

Giao diện ứng dụng “Sơn La Tour”.

 

Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IGB (IGB Group), chia sẻ: “Sơn La Tour” không chỉ là một phần mềm mà còn là giải pháp công nghệ tích hợp, hướng đến xây dựng một mô hình du lịch bền vững, thông minh, khai thác tối đa giá trị bản sắc văn hóa, thiên nhiên của địa phương. Phần mềm đã kịp thời được nghiên cứu, xây dựng đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy chính quyền mới, đưa tỉnh Sơn La trở thành một trong những địa phương đầu tiên tiên phong triển khai chuyển đổi số du lịch toàn diện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

IGB Group cũng là đơn vị triển khai thành công phần mềm “Mộc Châu Tour” vào năm 2023 và “Quỳnh Nhai Tour” vào năm 2024, hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong quá trình quảng bá du lịch và kết nối, thu hút du khách. Đây cũng là cơ sở tạo tiền đề vững chắc cho sự ra đời của “Sơn La Tour”. Ông Vũ Xuân Nguyên cũng nhấn mạnh thêm: IGB Group sẽ cam kết, đồng hành cùng Sơn La trong trong việc tiếp tục hỗ trợ phát triển các tính năng mới, cập nhật dữ liệu hệ thống và đảm bảo nền tảng luôn đáp ứng nhu cầu thực tế và bắt kịp xu hướng công nghệ.    

Đánh giá ban đầu về tính khả thi khi sử dụng “Sơn La Tour” vào mục đích phát triển dịch vụ du lịch, anh Tráng A Chu, chủ A Chu homestay, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, nói: “Sơn La Tour” có giao diện dễ sử dụng, các tính năng hiện đại. Chúng tôi cũng có thể cập nhật đầy đủ trên ứng dụng về hình ảnh đẹp và đánh giá của khách hàng trước đó về homestay. Chúng tôi cũng dễ dàng cập nhật thông tin về phòng trống và các dịch vụ khác, đem lại cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi vừa có chuyến đi đến Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và đã sử dụng thử ứng dụng “Sơn La Tour”. Tôi thấy ứng dụng rất tiện lợi, cung cấp đầy đủ thông tin về các điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn. Bản đồ số rất dễ sử dụng, giúp tôi dễ dàng tìm đường đi. Tôi đặc biệt thích tính năng gợi ý lịch trình tham quan, giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian lên kế hoạch.

Đại diện IGB Group hướng dẫn đại biểu sử dụng “Sơn La Tour” tại lễ ra mắt phần mềm.

Mặc dù mới ra mắt, “Sơn La Tour” đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ban đầu. Theo thống kê sơ bộ, trong tuần đầu tiên ra mắt, đã có hàng trăm lượt tải và cài đặt ứng dụng, hàng trăm lượt tìm kiếm thông tin và tương tác trên nền tảng. Điều này cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng của cộng đồng đối với phần mềm du lịch thông minh này. Trong thời gian tới, ngành du lịch Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách sử dụng “Sơn La Tour” một cách hiệu quả. Đồng thời, sẽ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia vào hệ sinh thái số này.

Người dùng là du khách hoặc doanh nghiệp truy cập theo hướng dẫn trên để cài đặt và sử dụng “Sơn La Tour” cho mục đích tìm kiếm lịch trình, điểm đến hấp dẫn hoặc đăng ký kinh doanh dịch vụ trên ứng dụng.

Với những tiện ích mang lại, “Sơn La Tour” sẽ trở thành một công cụ đắc lực, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành du lịch Sơn La, đưa du lịch tỉnh nhà phát triển theo hướng thông minh, bền vững và hội nhập quốc tế. Đây là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa Sơn La trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới