Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống

Nằm giữa thung lũng nhỏ, được bao quanh bởi những cánh rừng thông hùng vĩ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, người dân ở Hua Tạt đã khai thác lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Giọng nữ
Khách du lịch trải nghiệm nghề vẽ sáp ong trên vải tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.

Những ngày cuối tuần, bản Hua Tạt nhộn nhịp với các đoàn khách trong nước và quốc tế. Tại A Chu homestay, trong khung cảnh thiên nhiên với những mái nhà gỗ mộc mạc, các du khách hào hứng khi được trải nghiệm cùng người dân bản địa vẽ sáp ong trên vải nhuộm chàm. Một nghề truyền thống đã được đồng bào dân tộc Mông nơi đây gìn giữ qua bao thế hệ.

Bà Giàng Thị Nắng, bản Hua Tạt, chia sẻ: Ngày nay, do sự phát triển của công nghiệp nên nhu cầu sử dụng vải có họa tiết vẽ bằng sáp ong trong đời sống giảm. Nhờ có du lịch cộng đồng, hoạt động vẽ sáp ong trên vải được khôi phục, giữ gìn, người Mông ở Hua Tạt có thêm sinh kế mới.

Khi đến với các homestay ở Hua Tạt, du khách sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ từ quy trình nấu sáp, vẽ, nhuộm, luộc vải, phơi và nhận về thành phẩm. Với những họa tiết đơn giản, chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, du khách đã có thể hoàn thiện một sản phẩm kích thước 25x25cm và mang về làm kỷ niệm. Giá một tour từ 4 – 6 người trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải là 400.000 đồng, đã bao gồm chi phí nguyên liệu và sản phẩm hoàn thiện.

Du khách thích thú với các sản phẩm do mình tự làm ra.

Cầm trên tay sản phẩm với những nét họa tiết vừa tự vẽ, chị Giulia, du khách đến từ Ý, vui vẻ nói: Trước khi đến đây, tôi chỉ biết đến những bộ trang phục thổ cẩm qua các gian hàng lưu niệm. Nhưng khi được tự tay nấu sáp ong, cầm dụng cụ vẽ thủ công và cảm nhận từng nét hoa văn hiện lên trên nền vải, tôi mới cảm nhận được sự tinh tế, công phu trong quá trình tạo ra sản phẩm, thấy được tình yêu văn hóa của người dân nơi đây.

Cùng với vẽ sáp ong, nghề làm giấy của người Mông cũng mang đến trải nghiệm thú vị và được nhiều du khách yêu thích khi đến với Hua Tạt. Anh Tráng A Của là người đầu tiên trong bản đưa nghề làm giấy trở thành một sản phẩm du lịch. Anh Của cho biết: Kỹ thuật làm giấy của người Mông có từ ít nhất từ 300 năm trước và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngày nay du lịch phát triển, tôi đã cùng nhóm tình nguyện viên đến từ Singapore trải nghiệm, đúc kết và ghi chép lại đầy đủ quy trình làm giấy, biên tập thành tài liệu song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và hiểu thêm về nghề làm giấy truyền thống.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm giấy tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.

Tìm hiểu thêm được biết, lớp học làm giấy dành cho nhóm từ 4 – 6 người có giá 300.000 đồng/lượt, với các công đoạn, như: Giã tre, tách giấy, trải bột, làm khô và tạo hình. Nếu du khách muốn trải nghiệm thêm hoạt động lấy nguyên liệu, hướng dẫn luộc tre thì chi phí tăng lên khoảng 500.000 đồng/lượt.

Để tăng trải nghiệm cho du khách, người dân ở Hua Tạt đã sáng tạo làm giấy thủ công vẽ thêm họa tiết bằng sáp ong được sử dụng nhiều trong trang trí, như: Làm đèn, tranh treo tường, sổ tay handmade, bưu thiếp, ký họa hoặc thư pháp. Du khách đến bản cũng rất thích thú với các trải nghiệm làm tranh hoa giấy hoặc tự tay thiết kế những chiếc đèn giấy cho riêng mình.

Sản phẩm vải chàm vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc Mông bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.

Những nghề thủ công truyền thống khác, như: Rèn dao, se lanh, dệt vải, thêu váy của đồng bào dân tộc Mông sẽ tiếp tục trở thành những sản phẩm du lịch giúp tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với Hua Tạt. Anh Tráng A Chu, chủ A Chu homestay, chia sẻ: Bà con sau mùa thu hoạch (tháng 7 - 8) là nông nhàn, không có việc, du lịch giúp họ có thêm sinh kế. Các hộ không kinh doanh homestay vẫn có nguồn thu ổn định bằng việc hướng dẫn trải nghiệm, hỗ trợ khách tham quan hay sản xuất hàng handmade bán cho du khách... Nhờ du lịch, nhiều nghề truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị. 

Du lịch không chỉ mang lại thu nhập, mà còn góp phần hồi sinh những nghề thủ công tưởng chừng đã bị mai một. Hua Tạt hôm nay không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi giữ hồn văn hóa, nơi những giá trị truyền thống được giữ gìn và tỏa sáng.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới