Xã hội số là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với chính quyền số và kinh tế số. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng xã hội số với nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tổ trưởng tổ xã hội số, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, thông tin: Xây dựng xã hội số, tỉnh ta tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Phổ cập kỹ năng số, khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại...
Tạo nền tảng xây dựng hạ tầng số phục vụ phát triển xã hội số, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị viễn thông tập trung đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng; tăng nhanh tỷ lệ người được sử dụng Internet, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để kịp thời hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ viễn thông tại địa phương và hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ internet; băng rộng cáp quang và di động 4G được tiếp tục phủ sóng tại các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Đến nay, 100% các xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phủ sóng băng rộng di động 4G; tỷ lệ bản được phủ sóng băng rộng di động 4G đạt 98,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94,8%; gần 60% số thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh; 39% số hộ gia đình có thuê bao cáp quang; tỷ lệ người sử dụng Internet toàn tỉnh ước đạt 46,3%. Thúc đẩy ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đến nay, toàn tỉnh có 706.105 người có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, tài khoản khác với tỷ lệ 79,5% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản.
Hiện nay, 100% các cơ sở, trường học đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ về du lịch, ăn uống tích cực khuyến khích người dân, khách du lịch thực hiện thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, các cơ sở sử dụng mã QR code để khuyến khích, tạo điều kiện khách du lịch thực hiện thanh toán điện tử. Tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tượng chính sách xã hội, bảo trợ xã hội và người có công thực hiện mở tài khoản ngân hàng chi trả tiền trợ cấp hàng tháng, đến nay, đã có 7.898 các đối tượng chính sách thực hiện mở tài khoản.
Công tác hoạt động quản lý và dạy tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu triển khai ứng công nghệ số. Ngành giáo dục tập trung tham mưu xây dựng mô hình trường học thông minh trên địa bàn; 100% các trường học đã ứng dụng công nghệ số trong công tác dạy học và hoạt động quản lý. Việc quản lý, khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án điện tử và thanh toán trực tuyến tại các cơ sở y tế đang được khẩn trương triển khai, góp phần tạo điều kiện thuận lợi người dân khi tham gia dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 30,1%, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng đề án mô hình bệnh viện thông minh.
Bác sỹ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, cho biết: Cùng với việc quản lý, khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án điện tử và thanh toán trực tuyến, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) để kết nối, hội chẩn liên tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Nhi Trung ương. Dưới sự hỗ trợ trực tuyến của các bác sĩ đầu ngành đã giúp bệnh viện đưa ra phác đồ điều trị chính xác, nhiều ca bệnh nặng được chữa khỏi, giảm chi phí cho bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên.
Trong quá trình xây dựng xã hội số, có vai trò rất quan trọng của 2.990 tổ “Chuyển đổi số cộng đồng’’ trong toàn tỉnh với hơn 15.000 thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến về chủ trương chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số... Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm mới phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử (đặc biệt là tại các khu vực chợ, siêu thị...); hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng phục vụ thanh toán điện tử VnelD, App Son La Smart City, ví thanh toán điện tử...
Những kết quả đạt được trong xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển chính quyền số và kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!