Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở Tường Thượng

Thời gian qua, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với tổ chức đào tạo nghề tại địa phương, giúp lao động nông thôn có kiến thức để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nông dân bản Đồng La, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên áp dụng kiến thức được đào tạo vào chăn nuôi.

Ông Đinh Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Tường Thượng, cho biết: Xã có gần 4.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 60% dân số trong xã. Để giải quyết việc làm cho người dân, hàng năm, xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề; trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Từ năm 2018 đến nay, Tường Thượng có 2.790 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề về may công nghiệp, sửa chữa máy móc, cơ khí, xây dựng, kỹ thuật sản xuất do huyện tổ chức và đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp trong, ngoài huyện. Đối với các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, giúp người lao động sau đào tạo dễ tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Còn lĩnh vực nông nghiệp, sau đào tạo, các học viên có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất của gia đình.

Là xã thuần nông, người dân trong xã tập trung canh tác hơn 100 ha ruộng bán ngập và 70 ha ruộng hai vụ, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha/vụ. Bà con còn trồng rau màu vụ đông để tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác. Tích cực cải tạo vườn tạp; chăm sóc 40 ha nhãn, xoài, sản lượng đạt 400 tấn quả các loại/năm. Ngoài ra, còn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhiều gia đình đã xây dựng chuồng chăn nuôi quy mô từ 30 đến hơn 100 con trâu, bò, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng.

Khai giảng từ ngày 28/10 và dự kiến kết thúc vào tháng 12/2022, lớp đào tạo nghề chăn nuôi và trị bệnh cho đàn lợn do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Trường đại học Tây Bắc tổ chức, với 35 học viên tham gia. Đây đều là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tại 4 bản: Đồng La, Thon, Cha, Chượp, của xã Tường Thượng. Các học viên được học lý thuyết và thực hành về cách chọn giống, xây dựng chuồng, phòng và điều trị bệnh...

Anh Đinh Mạnh Hùng, bản Đồng La, học viên của lớp học cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và xử lý nước thải, nên hiệu quả chưa cao. Tham gia lớp đào tạo, được hướng dẫn bài bản quy trình chăn nuôi an toàn, tôi dự định sẽ xây dựng chuồng trại kiên cố, nuôi từ 5 đến 8 con lợn nái để phát triển kinh tế gia đình.

Hàng năm, xã còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương giới thiệu để tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Hiện, xã có 1.357 lao động làm việc tại Công ty cổ phần giày Ngọc Hà, Nhà máy gạch Tuynel Phù Yên và các khu công nghiệp ngoài tỉnh, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên. Mức thu nhập đạt từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.

Năm 2015, được xã thông tin về việc Công ty TNHH Sam sung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên về tuyển dụng lao động, vợ chồng anh Lường Văn Phong, bản Khoa 2, xã Tường Thượng đã đăng ký và được tuyển dụng đi làm, với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Anh Phong cho biết: Từ số tiền tích cóp trong quá trình làm việc, gia đình tôi đã xây dựng được nhà ở khang trang, với tổng kinh phí 550 triệu đồng và mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt của gia đình. Hiện tại, tôi đã nghỉ việc để về chăm sóc hai con, còn vợ tôi vẫn làm tại doanh nghiệp.

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,9%. Đây là điều kiện thuận lợi cho xã Tường Thượng phấu đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới