Nâng cao chất lượng chỉ số SIPAS

Năm 2021, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh Sơn La tiếp tục tăng vượt bậc, cao hơn mức chung của cả nước là 2,9%; đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đứng đầu 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân.

                                       

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho công dân.

             

Chỉ số SIPAS được tính toán, tổng hợp từ 480 phiếu điều tra xã hội học đối với 4 huyện, thành phố trong tỉnh có nhiều giao dịch cung ứng dịch vụ, gồm: Mai Sơn, Sốp Cộp, Yên Châu và thành phố Sơn La. Qua đánh giá, Chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2021 đạt 90,1%, tăng 0,3% so với năm 2020. Các chỉ số thành phần đều đạt ở mức cao và khá trong bảng xếp hạng chung của cả nước. Trong đó, chỉ số có tỷ lệ hài lòng cao nhất là tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh kiến nghị đạt 91,7% (tăng 12,5% so với năm 2020); tiếp đến là kết quả dịch vụ đạt 90,6%; thủ tục hành chính (TTHC) đạt 90%; tiếp cận dịch vụ đạt 89,3%; công chức trực tiếp giải quyết TTHC đạt 88,9%.

             

Bên cạnh đó, Chỉ số SIPAS cũng phản ánh sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính trong việc ưu tiên cải cách, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công và phục vụ người dân, tổ chức. Năm 2021, có 53,8% số người được hỏi mong đợi các cơ quan hành chính Nhà nước tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện; 56,5% số người được hỏi muốn tiếp tục đơn giản hóa TTHC; 48,6% số người được hỏi muốn rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

             

Đứng đầu về chỉ số SIPAS năm 2021 ở các huyện, thành phố, huyện Sông Mã đạt 99,96%. Huyện Sông Mã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết các TTHC; thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn... Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Đến nay, 100% các TTHC được công khai minh bạch về quy trình, thời gian giải quyết, phí, lệ phí, phiếu giao nhận, phiếu báo xử lý chậm; giảm thiểu đến mức không có hồ sơ quá hạn trong giải quyết TTHC. Qua khảo sát, 99% số phiếu đánh giá của người dân và doanh nghiệp ghi nhận thời gian giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa cũng như phong cách phục vụ là rất tốt; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn hàng năm đạt hơn 98%, được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao.

             

Không chỉ ở các địa phương mà khối các sở, ngành cũng có cải thiện đáng kể về chỉ số SIPAS. Năm 2021, chỉ số SIPAS của 20 cơ quan, đơn vị là 94,58%; có 14/20 sở, ngành có chỉ số đạt từ 90% trở lên. Tiêu biểu có Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có chỉ số đạt tối đa 100%. Kết quả này cho thấy, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đã đáp ứng được mục tiêu đề ra, phản hồi tích cực hơn về chất lượng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh.

             

Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Điểm nhấn trong thực hiện tốt công tác CCHC là Ban đã chủ động xây dựng dịch vụ công cấp độ 3 đối với 2 TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý. Từ khi dịch vụ công được đưa vào sử dụng đã tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân. Hồ sơ được thực hiện trả đúng thời gian quy định; góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Nhiều năm liền, Ban Dân tộc tỉnh luôn nằm trong tốp đầu các sở, ngành có chỉ số SIPAS cao.

             

Phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn đạt tối thiểu 90%; các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung và kết quả của chỉ số SIPAS tới người dân, tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia tích cực, khách quan của người dân, tổ chức trong việc giám sát, phản hồi ý kiến về việc cung ứng dịch vụ hành chính công.

             

Cùng với đó, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; tiếp tục tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; giám sát, xử lý nghiêm, đảm bảo không còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu đến người dân. Tăng cường xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, mang lại sự hài lòng, niềm tin cho người dân, tổ chức.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới