Thế giới tuần qua: Nỗ lực giải quyết bất đồng

Bên cạnh những diễn biến liên tục “nóng” về tình hình đại dịch COVID-19, thế giới tuần qua cũng ghi nhận những nỗ lực nhằm giải quyết các bất đồng như Đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran; Hội nghị Ngoại trưởng G7 chia sẻ nhiều vấn đề chung; Tổng thống Mỹ tin tưởng có thể gặp người đồng cấp Nga…

1. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước

An Độ đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. (Ảnh: PTI)  

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 9/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 158.290.709 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.295.684 ca tử vong và 135.707.650 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 764.200 ca mắc và 12.395 ca tử vong mới vì đại dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với gần 33,5 triệu ca nhiễm và hơn 595,5 nghìn ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có xu hướng “hạ nhiệt” tại Mỹ thì các quốc gia khác gồm Ấn Độ, Brazil, Anh, Pháp, Argentina… lại liên tiếp ghi nhận số ca lây nhiễm cao kỷ lục trong những ngày qua. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với hơn 421 nghìn ca trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm khi ghi nhận gần 22,3 triệu ca.

Tình hình tại "tâm dịch" Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiêu cải thiên khi nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Theo số liệu thống kê, Ấn Độ ghi nhận thêm 4.133 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 242.398 ca trong khi số ca nhiễm mới cũng vượt 400.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp. Ngày 8/5, thêm nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang phải kéo dài hoặc áp đặt các lệnh phong tỏa và hạn chế mới nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan đang khiến số ca mắc và tử vong mỗi ngày tăng báo động.

Trước diễn biến căng thẳng của đại dịch COVID-19, tuần qua Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres bày tỏ hy vọng các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ sở hữu bản quyền.

Thông điệp này được người đứng đầu LHQ đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế để thúc đẩy việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Sáng kiến này được kỳ vọng là sẽ mang lại những hiệu quả mang tính đột phá trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 đã phủ bóng đen lên mọi ngõ ngách của thế giới trong hơn 1 năm qua.

2. Đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Phái đoàn EU tại một cuộc đàm phán tại Vienna, Áo. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 7/5, vòng đàm phán thứ tư nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã diễn ra tại tại thủ đô Vienna (Áo).

Các cuộc đàm phán tại Vienna có sự tham dự của các đại diện Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức. Phái đoàn Mỹ cũng có mặt tại thủ đô Vienna song không tham gia đàm phán trực tiếp do Washington đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn nước này tham gia các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, nêu rõ theo thông tin mà Iran nhận được từ phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nghiêm túc với việc quay trở lại JCPOA cũng như sẵn sàng dỡ bỏ phần lớn lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Tehran.

Tuy nhiên, quan điểm của Iran là Tehran mong muốn nhiều hơn chứ không dừng ở một số lệnh trừng phạt. Do đó, các cuộc đàm phán sẽ vẫn tiếp tục cho tới khi Iran đạt được tất cả các yêu cầu của mình.

Thứ trưởng Araqchi nói thêm rằng vòng đàm phán mới nhất này được khởi động với năng lượng “tích cực," đồng thời bày tỏ hy vọng các phái đoàn tham gia có thể đạt đồng thuận trong thời gian sớm nhất có thể.

3. Hội nghị Ngoại trưởng G7 chia sẻ nhiều vấn đề chung

Hội nghị Ngoại trưởng G7 gặp trực tiếp sau 2 năm. (Ảnh: AP)

Từ ngày 4-5/5, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã diễn ra ở London (Anh) theo hình thức trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế. Chương trình nghị sự của Hội nghị bàn về kế hoạch phân phối vaccine cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, mối quan hệ giữa Nga, Trung Quốc và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Vịnh Carbis, Tây Nam nước Anh từ 11-13/6 tới theo hình thức trực tuyến.

Tham dự cuộc họp Ngoại trưởng G7 lần này còn có đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và nước Chủ tịch ASEAN Brunei. Theo thông cáo của nước chủ nhà, các “vị khách” đặc biệt này “sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. 

Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã phần nào nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau năm 2020 ảm đạm vì dịch COVID-19 và các chính sách đơn phương. Song liệu đồng thuận về tinh thần ấy có được chuyển hóa thành hành động? Chỉ Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước G7 mới có câu trả lời.

4. Tổng thống Mỹ tin tưởng có thể gặp người đồng cấp Nga

Tổng thống Mỹ J.Biden hy vọng gặp người đồng cấp Nga Putin vào tháng tới. (Ảnh: AP) 

Ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ tin tưởng về khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng 6 tới.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, các cuộc thảo luận giữa hai bên về địa điểm, thời gian và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được tiến hành. Ngoài ra, bà Psaki cũng cho biết Mỹ và Nga vẫn đang tồn tại bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng những bất đồng này không cần phải được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh.

Phản ứng trước tuyên bố của bà Jen Psaki, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov chiều 7/5 cho biết, phía Nga đang tiếp tục phân tích tình hình để quyết định về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du châu Âu vào tháng 6 tới khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại London (Anh) và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ). 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ đang nhận được những tín hiệu tích cực và đang được các bên liên quan cân nhắc.

5. Căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine

Người biểu tình ném pháo hoa về phía cảnh sát Israel. (Ảnh: Reuters )

Ngày 7/5, đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động Israel và hàng trăm người dân Palestine đã bùng phát dữ dội xung quanh khu vực nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa tại Jerusalam đã làm ít nhất 205 người bị thương. Đụng độ nổ ra sau khi một số người Palestine ném đá, chai lọ và pháo hoa về phía cảnh sát Israel, trong khi lực lượng này đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn cay.

Căng thẳng gia tăng tại Jerusalem và khu vực Bờ Tây trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, với các cuộc đụng độ hàng đêm nổ ra ở Sheikh Jarrah, phía đông Jerusalem, khu vực nhiều gia đình Palestine đang đối mặt với lệnh trục xuất trong vụ kiện pháp lý kéo dài.

Mỹ và Liên Hợp Quốc hôm 7/5 kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế. Jordan và Liên minh châu Âu bày tỏ lo lắng khả năng xảy ra các vụ trục xuất.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm về những diễn biến nguy hiểm và các vụ tấn công diễn ra ở thánh địa Jerusalem, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về vấn đề này.

Ông Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy nhân quyền Liên Hơp Quốc, hôm 7/5 kêu gọi Israel dừng ngay các vụ cưỡng chế trục xuất, cho rằng "nếu được thực thi, hành động đó sẽ vi phạm các nghĩa vụ của Israel theo nghĩa vụ quốc tế" tại vùng Đông Jerusalem mà nước này kiểm soát cùng khu vực Bờ Tây từ năm 1967./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới