Thế giới tuần qua: Gắn kết để nâng cao vị thế

Tiếp tục củng cố tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các nước ASEAN; Các nước lớn cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính; Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước châu Âu; Indonesia nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm mất tích; Ấn Độ đứng trước nguy cơ vỡ trận vì COVID-19,… là một số sự kiện đáng chú ý của thế giới trong tuần qua (19-25/4).

Tiếp tục củng cố tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các nước ASEAN

Nhận lời mời của Chủ tịch ASEAN 2021, ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia từ ngày 23-24/4/2021. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm khẳng định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức mới nổi lên, qua đó, tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Joko Widodo trong khuôn khổ chuyến công tác tại Indonesia để tham gia Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN  (Ảnh: CPV)

Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.  Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã tập trung trao đổi quan điểm về tình hình Myanmar, cũng như bàn các biện pháp tiếp tục thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ứng phó đại dịch và tăng cường quan hệ đối ngoại của Hiệp hội. Hội nghị thể hiện sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức nổi lên, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước thành viên và của cả khu vực.

Ngày 24/4, kết thúc Hội nghị, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch. Trong đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết hỗ trợ hiện thực hóa kịp thời các Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Chủ tịch ASEAN 2021 Brunei theo trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với chiến lược phục hồi, số hóa và bền vững; đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hơn nữa trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các chương trình nghị sự của các cơ quan ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng nhằm đảm bảo ASEAN được điều phối, phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Liên quan đến đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo ASEAN nhắc lại cam kết thực hiện kịp thời Kế hoạch triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, đồng thời hoan nghênh quyết định sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 để mua vaccine cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí chỉ đạo các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sớm tổ chức các cuộc họp tiến tới nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chấp nhận kết nạp Anh làm đối tác đối thoại của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54.

Các nước lớn cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 và 23/4/2021. Trong hai ngày Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao của 41 quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với nhân loại và tỏ quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden  cam kết cắt giảm 50% - 52% lượng khí thải so với mức năm 2005 (Ảnh: Reuters)

Trong đó, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ gấp đôi viện trợ để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu vào năm 2024, so với mức viện trợ thường niên được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện trong giai đoạn tài khóa từ 2013 đến 2016. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã đề mục tiêu mới nhằm cắt giảm 50% - 52% lượng khí thải so với mức năm 2005.

Về phần mình, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada, Brazil, Liên minh châu Âu... đã đưa ra mức cam kết giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2030, tuyên bố đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 hoặc trước 2060. Nhiều nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, đầu tư nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hành động để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương.

Những đóng góp quan trọng của các nước tại Hội nghị, trong đó có Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ sở quan trọng để Lãnh đạo các nước tiếp tục trao đổi nhằm đạt đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow vào tháng 11 tới.

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước châu Âu

Trong tuần qua, “màn đấu” ngoại giao Nga – Cộng hòa Séc đã diễn ra theo chiều hướng “ăn miếng trả miếng” với việc các bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

 Đại sứ quán CH Séc tại thủ đô Moscow, Nga. (Ảnh: TASS) 

Các đồng minh trong khối Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ba Lan, Anh, Mỹ, Slovenia đã lên tiếng “hoàn toàn ủng hộ” hành động và cáo buộc của Cộng hòa Séc đối với Nga. Thậm chí, 3 quốc gia vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia cũng tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga nhằm thể hiện sự đoàn kết với Cộng hòa Séc.

Trong thông điệp liên bang ngày 21/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Điện Kremlin muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia đã rạn nứt quan hệ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng một số quốc gia đã có thói quen nhằm vào Nga mà không có lý do, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo nước ngoài chớ “vượt lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Moscow, và nhấn mạnh rằng Nga sẽ là người vạch ra lằn ranh.

Những diễn biến mới nhất về căng thẳng ngoại giao  - vốn đẩy quan hệ giữa CH Séc và Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây vẫn chưa có điểm dừng. Trước đó, ngày 18/4, Nga đã thông báo trục xuất 20 nhân viên ngoại giao của CH Séc nhằm đáp trả quyết định tương tự do Prague đưa ra trước đó một ngày cùng với những nghi ngờ về vai trò của Moscow trong vụ nổ kho đạn của quân đội CH Séc hồi năm 2014 khiến 2 người thiệt mạng. Phía Moscow coi đây là hành động "chưa từng có tiền lệ" và mang tính thù địch do Prague đưa ra dựa trên những lập luận vô căn cứ.

Indonesia nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm mất tích

Tư lệnh Quân đội Indonesia, Đại tướng Hadi Tjahjanto ngày 24/4 tuyên bố rằng tàu ngầm KRI Nanggala-402 đã bị chìm và không có người sống sót nào được tìm thấy. Chiến dịch cứu hộ đã được chuyển sang hoạt động trực vớt sau khi các mảnh vỡ của chiếc tàu ngầm mất tích được tìm thấy.

 Các thành viên Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ quốc gia và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia tham gia chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích KRI Nanggala-402, tại cảng Tanjung Wangi ở Banyuwangi, Đông Java, ngày 24/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tư lệnh Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy các mảnh vỡ từ tàu ngầm, bao gồm các vật dụng bên trong con tàu. Điều này cho thấy một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Theo ông Yudo, độ sâu khiến công tác cứu hộ và trục vớt rất khó thực hiện, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Cảnh sát Quốc gia, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas) và các nước khác, Quân đội Indonesia sẽ tiếp tục tìm cách trục vớt con tàu.

Tàu KRI Nanggala 402 mất tích cùng 53 thủy thủ từ ngày 21/4 khi đang diễn tập ở ngoài khơi bờ biển Bali. Việc xuất hiện mảng dầu loang ở nơi con tàu được cho là đã nổi lên làm dấy lên phỏng đoán rằng khoang chứa nhiên liệu đã bị hư hại, gây lo ngại về khả năng đây là một thảm họa chết người. Hải quân các nước Mỹ, Ấn Độ, Singapore và Malaysia đã tham gia công tác tìm kiếm tàu này, trong khi Australia, Pháp và Hàn Quốc cũng đã đề nghị giúp đỡ.

Tàu KRI Nanggala-402 được đóng tại Đức vào năm 1978 và năm 2012 đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng trong hai năm tại Hàn Quốc.

Ấn Độ đứng trước nguy cơ vỡ trận dịch COVID-19

Ngày 24/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này ghi nhận thêm 346.786 ca mắc mới COVID-19 và 2.624 ca tử vong do căn bệnh này trong 24 giờ qua. Đây là những con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Như vậy, Ấn Độ ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới trong thời gian qua. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 16,9 triệu ca, trong đó gần 190.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thủ đô của Ấn Độ ghi nhận hơn 24.000 ca mắc mới COVID-19 và 348 ca tử vong, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.

 Xác một người tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ chuẩn bị được đem thiêu ở dàn thiêu dã chiến chất bằng những bó củi . (Ảnh: Reuters)

 

Trong vài ngày qua, tình hình COVID-19 tại Ấn Độ đã trở nên rất phức tạp khi số ca nhiễm hằng ngày không ngừng gia tăng, khiến hệ thống y tế của nước này đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung oxy.

Trong khi đó, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 25/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 147.025.186 ca, trong đó 3.111.650 ca tử vong và 125.029.094 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 802.471 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là  50.225 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 32.786.598 ca và 585.871 ca.

Liên quan đến vaccine, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) sau 10 ngày tạm đình chỉ để điều tra các ca đông máu sau tiêm.  Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Vaccine ngừa COVID-19 của J&J là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới