Nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó với bão số 1

Bão số 1 có tên quốc tế là Talim trên biển Đông được dự báo là cơn bão mạnh, gây ảnh hưởng đến 27 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Thực hiện Công điện Hỏa tốc số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023 và cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tỉnh Sơn La đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó; yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành không được chủ quan, lơ là, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Gió lốc làm đổ, gãy cột điện trên địa bàn xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (ngày 14/7/2023). Ảnh: PV

Bão số 1 năm 2023 (tên quốc tế là TALIM), dự báo 16 giờ, ngày 18/7, bão sẽ đến vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/giờ), giật cấp 15, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền trong đêm ngày 17, rạng sáng ngày 18/7. Lượng mưa phổ biến ở mức 200-240 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm, bão gây mưa lớn trong 3 ngày, bắt đầu từ đêm ngày 17/7 đến ngày 20/7. Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài.

Tỉnh Sơn La nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1. Theo dự báo, sẽ gây mưa lớn diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, lượng mưa phổ biến ở mức 150-200 mm. Trong đó, các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu và Vân Hồ sẽ có lượng mưa lớn nhất, có điểm cục bộ mưa dự báo ở mức 300 mm. Mưa lớn có khả năng gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các khe suối, vùng núi cao, ngoài ra, có khả năng gây ngập úng cục bộ tại các điểm trũng, thấp. Vì vậy, việc quản lý các hồ chứa nước, hồ thủy lợi cần tính toán mực nước trong lòng hồ để có phương án xả nước phù hợp, đảm bảo an toàn hồ chứa.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, cho biết: Ngày 17/7/2023, UBND tỉnh Sơn La đã có Công điện số 02/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 1. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ trên địa bàn; kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra dông lốc, lũ quét, sạt lở đất, các khu vực ven sông, suối, khe suối, taluy, sườn đồi, chân vách núi đá, hạ lưu các hồ, đập. Triển khai các phương án, biện pháp ứng phó phù hợp; chủ động phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Chủ động thu hoạch, có biện pháp bảo vệ, phòng tránh lũ lụt, ngập úng những diện tích sản xuất cây trồng, nuôi trồng thủy sản. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở, ngập úng và tác động do mưa, lũ gây thiệt hại.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết đã được dự báo, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu ngành Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng bố trí lực lượng lượng tại các vị trí xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở. Nhanh chóng xử lý các vị trí sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, tránh để các địa phương xảy ra tình trạng bị cô lập. Yêu cầu các phương tiện tàu, thuyền và nhân dân không ra khu vực giữa lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình kiểm tra lồng cá khi có mưa lớn.

Các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, với nòng cốt là Quân đội, Công an cũng đã chuẩn bị lực lượng, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trực 24/24; hàng chục phương tiện ô tô các loại, 32 xuồng, cano sẵn sàng ứng phó. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai xảy ra.

Các địa phương tiến hành rà soát phương án bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thời tiết nguy hiểm. Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu. Chủ động di chuyển nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đề phòng nguy cơ có gió lốc. Đối với diện tích trồng lúa của huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra khả năng thoát nước, chống ngập úng của hệ thống mương dẫn nước. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực, sẵn sàng tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

Nằm trong vùng dự báo có lượng mưa lớn, ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ, thông tin: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, chúng tôi đã tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện chỉ đạo các địa phương tập trung cao ứng phó tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún các tầng lớp đất yếu. Xây dựng kịch bản ứng phó, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, khai thông dòng chảy chống ngập úng cục bộ tại các điểm trung, thấp. Đối với giao thông, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, bố trí sẵn máy móc, phương tiện vận chuyển, nhằm nhanh chóng thông đường tại các xã có đường độc đạo như Quang Minh, Mường Tè và Liên Hòa...

Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 1 đã và đang được UBND tỉnh và các các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và phấn đấu không có thiệt hại về người.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới