Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Yên Châu diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người do tai nạn giao thông gây ra.
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn
Trên địa bàn huyện Yên Châu có tuyến quốc lộ 6, 6C và tỉnh lộ 103 chạy qua, với tổng chiều dài gần 140 km. Đây đều là các tuyến huyết mạch với lưu lượng xe qua lại lớn. Những năm qua, các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng, mở rộng, tuy nhiên vẫn còn một số cung đường tồn tại “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Do địa hình quanh co, độ dốc lớn, trên các tuyến đường này có nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn, cùng với đó có nhiều điểm đấu nối với các khu dân cư.

Chỉ tính riêng trong quý I/2025, toàn huyện đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, làm bị thương 16 người; so với cùng kỳ năm 2024, tăng 4 vụ, tăng 10 người chết và 13 người bị thương. Trong đó, có một vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 21/2, tại Km235+100 quốc lộ 6, thuộc địa phận bản Thín, xã Sặp Vạt, giữa xe khách va chạm với xe đầu kéo rơ-mooc đi chiều ngược lại; hậu quả làm 6 người chết, 9 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là lái xe khách điều khiển ô tô đến đoạn đường vòng cua, do trời mưa, mặt đường trơn trượt, lái xe không làm chủ được tốc độ, dẫn đến phần đuôi xe văng vào xe đầu kéo đi ngược chiều gây ra tai nạn.
Trước đó, vào 21 giờ 25 phút ngày 10/2, tại Km230+570T quốc lộ 6, thuộc địa phận bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, cũng đã xảy ra vụ va chạm giữa xe khách di chuyển theo hướng Sơn La - Hà Nội và xe mô tô lưu thông theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn giao thông khiến hai người trên xe mô tô tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là do cung đường dốc cua, tầm nhìn hạn chế, các xe không làm chủ được tốc độ, lấn làn đường.
.jpeg)
Yếu tố địa hình, thời tiết và sự chủ quan của lái xe là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn trên địa bàn huyện Yên Châu thời gian qua. Cùng với đó là việc thiếu ý thức chấp hành luật của một số người tham gia giao thông như: Chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện sai phần đường, không chú ý quan sát, tránh, vượt không đảm bảo an toàn…. Đặc biệt, tình trạng học sinh lái xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường còn diễn ra, cũng là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn. Qua thống kê, phân tích, các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu trên tuyến quốc lộ 6, vào các khung giờ từ 19-24 giờ, đây là thời gian lượng xe di chuyển ít hơn dẫn đến tâm lý chủ quan của người điều khiển phương tiện, làm gia tăng tình trạng lưu thông với tốc độ cao trong khi tầm nhìn hạn chế, dẫn đến khó làm chủ và xử lý các tình huống xảy ra trên đường.
Đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn
Từ thực trạng diễn ra, UBND huyện Yên Châu đã ban hành kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn; Ban ATGT huyện đôn đốc các cơ quan thành viên, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kéo giảm số vụ vi phạm và tai nạn giao thông. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình trật tự ATGT để kịp thời có các giải pháp xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông để kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Yên Châu, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ; chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia hướng dẫn giao thông, tổ chức chốt gác tại các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn, tại các nút giao, tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp. Ngoài ra, huyện đề nghị Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp gắn với duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông; bổ sung biển báo, thiết bị báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các khu vực đường hẹp, đường cong, khu vực chợ, trường học… để người tham gia giao thông biết. Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính, tại nút giao cắt giữa các tuyến đường trên địa bàn huyện...

Lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn huyện Yên Châu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt tại các tuyến đường trọng điểm hay xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như: Xe chở quá khổ, quá tải; xe đã hết niên hạn sử dụng...; tăng cường xử lý các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông, các lỗi vi phạm theo các chuyên đề như: Vi phạm về vận tải hành khách; chở hàng quá tải; sử dụng rượu, bia tham gia giao thông; vi phạm về tốc độ; không đội mũ bảo hiểm...
.jpeg)
Trung tá Hoàng Xuân Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết: Đảm bảo trật tự ATGT quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Mai Sơn, Yên Châu, đơn vị xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát hằng tuần, hằng tháng, triển khai các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý được các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt tại tuyến đường thuộc địa phận các xã Chiềng Đông, Tú Nang, Chiềng Hặc… Thường xuyên cử tổ trực tại các đèo, dốc cua để nhắc nhở, cảnh báo chủ phương tiện đi chậm, kiểm tra độ an toàn của phương tiện khi lên xuống đèo, vào các dốc cua, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn huyện đã phát hiện 106 trường hợp vi phạm; trong đó xử lý bằng hình thức phạt cảnh cáo 27 trường hợp, phạt tiền 75 trường hợp, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 8 trường hợp, tạm giữ 47 phương tiện. Đơn vị cũng đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà trường tập trung phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền trực tiếp đến người tham gia giao thông, tuyên truyền thông qua xử lý vi phạm, trong đó, chú trọng đến những đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số… góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Kiềm chế tai nạn giao thông là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!