Thành phố tháo dỡ công trình ngăn cản dòng chảy thoát lũ

Thực hiện phương án phòng chống ngập úng tại thành phố Sơn La, UBND thành phố Sơn La đã chỉ đạo các xã, phường huy động phương tiện, nhân lực tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới trên mương thoát nước đô thị; khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa lũ xảy ra.

Giọng nữ

Thực trạng gây sự cố ngập úng

Thành phố Sơn La có hệ thống thoát nước chiều dài hơn 100km. Các cống qua đường đều là cống tròn, cống hộp, các mương đón nước đều là mương hở, mương có nắp đan, nằm hai bên các tuyến đường chính, có khả năng thu gom trên 70% lượng nước mưa trên địa bàn. Hệ thống thoát nước mưa chung với hệ thống thoát nước thải, dọc theo các tuyến đường vào khu dân cư, rồi được gom về rãnh thoát nước của các trục đường chính và các tuyến thoát nước khu vực, sau đó chủ yếu thoát ra suối Nậm La.

Do tốc độ đô thị hoá của Thành phố diễn ra nhanh, làm phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý đô thị, trong đó, có vấn đề thoát nước. Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng đô thị và các khu chức năng khác không ngừng gia tăng, đã làm thay đổi dòng chảy, diện tích ao, hồ, suối tại một số khu vực bị san lấp, thu hẹp, ảnh hưởng đến quá trình thoát nước của đô thị.

Cống thoát nước tại khu vực tổ 6, phường Quyết Tâm.
 Công trình xây dựng trái phép trên dòng suối tại tổ 1, phường Quyết Thắng

Các dự án xây mới, cải tạo nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị đã xảy ra tình trạng chênh lệch giữa cốt nền xây dựng công trình và cốt mặt đường; mạng lưới thoát nước mưa tại một số khu vực đã xuống cấp, không được đầu tư đồng bộ, không được nạo vét thường xuyên. Cùng với đó, do ý thức của một bộ phận dân cư xây dựng công trình, nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm lòng suối, ao, hồ, xả rác bừa bãi xuống suối, cống và ra đường, dẫn đến bít các cửa thoát nước trên đường gây ra ngập úng khi có mưa lớn và kéo dài.

Việc ngập úng cục bộ ở một số khu vực trên địa bàn thành phố trong những trận mưa đã xuất hiện nhiều năm nay. Đặc biệt, ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lớn kéo dài từ đêm 23 đến rạng sáng 25/7 tại thành phố Sơn La vừa qua đã gây ra ngập úng trên diện rộng và được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay. Có 8 vị trí trên một số tuyến đường, gồm: Ngã tư xe khách; ngã tư Quyết Thắng; khu vực Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; tổ 4, phường Quyết Thắng (Vincom); đường Hoàng Quốc Việt, phường Chiềng Cơi; khu vực Viện Quân y, tổ 1, phường Chiềng Sinh; tổ 9, phường Quyết Tâm (Trung tâm thương mại Đ&T); tổ 6, phường Quyết Tâm (cổng UBND phường Quyết Tâm), bị ngập với chiều sâu 0,5 - 1,2m, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Hộ dân tổ 10, phường Quyết Tâm lấn chiếm lòng suối xây dựng nhà ở.

Trước tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều điểm trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 26/7, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Sơn La, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT, Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh và Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La tiến hành kiểm tra thực địa, rà soát, đánh giá nguyên nhân ngập lụt tại các điểm.

Sở Xây dựng chủ trì làm việc với UBND thành phố Sơn La về đánh giá nguyên nhân ngập lụt trên địa bàn.

Ông Đào Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ: Đoàn kiểm tra đã xác định nguyên nhân chính gây ngập lụt tại thành phố Sơn La từ 23-25/7, do lượng lớn nước mưa thu gom dọc trên tuyến tránh Quốc lộ 6 chảy xuống đoạn tổ 5, tổ 6 phường Quyết Tâm, hợp với kênh thoát nước từ Chiềng Sinh - Nậm La tại Km 299+199 (gần UBND phường Quyết Tâm) tạo ra áp lực rất lớn, bật các nắp rãnh, làm nước chảy tràn trên đường Trần Đăng Ninh về ngã tư Quyết Thắng; tại điểm giao nhau này, cống dẫn nước qua đường thấp hơn so với kênh thoát nước Chiềng Sinh - Nậm La.

Đối với điểm ngập úng khu ngã tư xe khách, khu Vincom, đường 3/2 do mương thoát lũ dài, đi ngầm qua các khu dân cư, nhiều đoạn bị gấp khúc và trong quá trình khai thác, mương chưa được khơi thông thường xuyên do vướng mặt bằng; trong khi đó, hạ lưu cống km302+061/QL.6 - suối Nậm La bị thắt hẹp dòng chảy.

Với vị trí ngập úng đường Chu Văn Thịnh, nguyên nhân ngập úng do lưu lượng nước từ khu Vincom không kịp tiêu thoát đã chảy tràn về phía đường Trường Chinh - ngã tư cầu Trắng; nước từ mó khu vực Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh chảy ra và nước khu cây đa bản Hẹo, phường Tô Hiệu dồn về tập trung với lưu lượng lớn, dẫn đến không kịp tiêu thoát. Bên cạnh đó, kè suối Nậm La được đầu tư xây dựng, có cao độ cao hơn khu dân cư phía đường Chu Văn Thịnh, vì vậy khi nước suối Nậm La dâng cao, ngăn cản tiêu thoát nước.

Suối chảy qua tổ 6, phường Quyết Tâm bị thu hẹp do nhiều hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, trước khi xảy ra ngập lụt, đã có mưa diễn ra trong nhiều ngày, vượt quá khả năng tự thẩm thấu của lớp phủ, lớp mặt; khi xảy ra mưa với cường độ, lưu lượng lớn, tốc độ chảy về các kênh rất nhanh; đồng thời, cuốn theo một lượng lớn đất, đá, cây cối, gây tắc nghẽn hố thu, kênh, mương, rãnh thoát nước, nhất là các điểm hợp lưu, điểm chuyển hướng, điểm hẹp, điểm nghẽn.

Ngoài ra, hệ thống rãnh dọc thoát nước đoạn dọc quốc lộ 6 nhiều năm chưa được nạo vét; tuyến kênh thoát nước Chiềng Sinh - Nậm La, nhiều hộ dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây kè gia cố nền móng làm hẹp tiết diện mương, như khu vực tổ 5, tổ 6 phường Quyết Tâm, khu vực Vườn Đào, khu vực ngã tư Quyết Thắng… gây suy giảm lớn về khả năng tiêu thoát nước.

Tháo dỡ công trình cản chở dòng chảy thoát lũ

Giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn Thành phố, trong 2 ngày (27 và 28/7), UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường ra quân rà soát, kiểm tra, huy động phương tiện, nhân lực xử lý dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm, nhất là các công trình lấn chiếm hành lang suối, đào, lấp ao, hồ, xả rác làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến các công trình thoát nước... gây ách tắc dòng chảy; triển khai việc nạo vét, thông tắc tại các khu vực, điểm thường xuyên bị ngập úng cục bộ, đảm bảo tiêu, thoát nước kịp thời khi có mưa lớn, mưa kéo dài.

Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì họp triển khai tháo dỡ công trình vi phạm.

Tại phường Quyết Thắng, qua rà soát, có 18 hộ xây dựng cơi nới công trình trên hệ thống mương thoát lũ. Qua tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tất cả các hộ đều đồng thuận tháo dỡ công trình. Phường đã huy động lực lượng tới giúp các hộ di chuyển đồ đạc để máy xúc thực hiện phá dỡ công trình; khơi thông bùn đất, rác thải tạo thông thoáng cho dòng chảy.

Các lực lượng hỗ trợ hộ dân di chuyển tài sản.

Là một trong những hộ cũng chịu ảnh hưởng ngập úng vừa qua, ông Nguyễn Bá Trúc, tổ 4, phường Quyết Thắng đồng thuận cao với việc Thành phố chỉ đạo tháo dỡ công trình xây dựng cơi nới, lấn chiếm trên kênh mương thoát nước đô thị.

Ông Trúc chia sẻ: Tôi ủng hộ việc Thành phố chỉ đạo phường phá dỡ các công trình vi phạm, lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy khiến nước chảy chậm, dẫn đến ngập úng. Mong muốn sau khi giải tỏa, Thành phố sớm xây dựng kiên cố, mở rộng kênh mương, để không còn diễn ra tình trạng ngập úng.

Tiến hành phá dỡ công trình vi phạm tại tổ 1, phường Quyết Thắng.

Phường Quyết Tâm cũng khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng ra quân nạo vét, phá dỡ công trình xây dựng trái phép tại tổ 6, khu vực đối diện với trụ sở phường. Ông Dương Đức Toàn, Chủ tịch UBND phường Quyết Tâm, cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua, đã gây ra ngập úng nghiêm trọng tại 2 điểm tại cổng UBND phường và khu vực Trung tâm thương mại Đ&T, với khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, phường đã huy động phương tiện, nhân lực thực hiện phá dỡ 3 cầu bê tông gây cản dòng chảy thoát lũ tại tổ 6 và tổ 10; di chuyển khẩn cấp 2 hộ dân ở tổ 3 và tổ 11 đến nơi ở an toàn. Chỉ đạo các tổ huy động lực lượng phối hợp với lực lượng quân sự khơi thông hệ thống cống, rãnh và giúp các hộ khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

Lực lượng quân sự phối hợp với Hạt 10, Công ty cổ phần Đường bộ 224 khơi thông cống rãnh quốc lộ 6.

Ông Lê Văn Sửu, Hạt trưởng Hạt 10, Công ty cổ phần đường bộ 224, thông tin: Đơn vị được giao quản lý từ Km243-Km303 khu vực Thành phố. Những ngày qua, đơn vị đã huy động nhân lực thu, gom rác thải toàn tuyến do đơn vị phụ trách. Tại điểm thuộc tổ 6, phường Quyết Tâm vì khối lượng bùn, đất nhiều, được sự hỗ trợ của các chiến sĩ Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh, công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, đơn vị đã nhanh chóng dọn dẹp toàn bộ bùn đất tràn trên đường, khơi thông cống rãnh, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông và dòng chảy thông thoáng.

Triển khai xây dựng cống thoát nước tại tổ 4, phường Quyết Tâm.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, cho biết: Ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên diện rộng, UBND Thành phố chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát và huy động lực lượng ra quân cương quyết tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới trên hệ thống kênh mương thoát lũ. Giao các phòng, ban, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị bố trí phương tiện, nhân lực xuống hỗ trợ các phường. Sau 2 ngày ra quân, Thành phố đã cơ bản phá dỡ các công trình cơi nới trên kênh mương thoát lũ của hai phường Quyết Thắng và Quyết Tâm; nạo vét, khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng ngập úng và thiệt hại cho các hộ dân khi có mưa lũ.

Khơi thông hệ thống kênh mương thoát nước tại tổ 6, phường Quyết Tâm.

Khẩn trương triển khai các giải pháp, Thành phố đang nỗ lực khắc phục, xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm, cơi nới làm hẹp kênh thoát nước; tháo dỡ các vật cản dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên, về lâu dài, các sở, ban, ngành của tỉnh cần phối hợp với UBND Thành phố tính toán lại lưu lượng, lưu vực của từng khu vực trên địa bàn Thành phố để làm cơ sở rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị (nếu cần), đảm bảo thoát nước đồng bộ trên địa bàn Thành phố; rà soát, đánh giá hiện trạng thoát nước hiện có, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo quy hoạch.

Nghiên cứu, đề xuất cải tạo, nâng cấp kênh thoát nước tuyến Chiềng Sinh - Nậm La; nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới tuyến kênh thoát nước Chiềng Ngần - Nậm La; phối hợp với Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh, Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT tham mưu đề xuất giải pháp hoặc đầu tư dự án thoát nước đoạn cuối suối Nậm La ra sông Đà.

Kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm, cơi nới làm hẹp kênh thoát nước; tháo dỡ các vật cản dòng chảy tự nhiên và sớm thực hiện các giải pháp động bộ về nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới tuyến kênh thoát nước, mới có thể khắc phục được lâu dài về tình trạng ngập úng trên địa bàn Thành phố khi vào mùa mưa.

Minh Thu - Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    An ninh trật tự -
    Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm ngay từ cơ sở, Công an xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tăng cường tuyên truyền pháp luật, phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cao về tội phạm, củng cố các nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh trật tự tại các bản.
  • 'Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Khoa Giáo -
    Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn huyện Vân Hồ đã tích cực thực hiện phong trào xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
  • 'Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Xã hội -
    Xã Huổi Một là một trong những xã khó khăn huyện Sông Mã. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vươn lên thoát nghèo.
  • 'Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Du lịch -
    Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, khai thác lợi thế đó, huyện Mộc Châu quan tâm, khuyến khích phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Nông thôn mới -
    Về bản Có Nàng, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nơi đây. Những con đường bê tông mới, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày một nhiều hơn, dịch vụ, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường vào bản được chiếu sáng bởi hai hàng bóng điện năng lượng mặt trời, như tiếp thêm động lực cho bản vùng cao ngày một phát triển.
  • 'Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Xã hội -
    Quan tâm xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, giải trí, huyện Yên Châu chú trọng công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định pháp luật, đảm bảo các em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
  • 'Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Xã hội -
    Theo giới thiệu của ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, chúng tôi về xã Nậm Lầu, là xã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và cũng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Thuận Châu. Những năm qua, chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, phát triển rừng sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm sinh kế, thu nhập từ nghề rừng.
  • 'Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Xã hội -
    Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, nên mùa đông nơi đây lạnh cắt da, cắt thịt. Xã có 4 bản, 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.