Ký ức ngày thống nhất đất nước

“Thời khắc lịch sử ngày 30/4, cảm giác vui sướng, hạnh phúc như vỡ òa. Đồng đội ôm nhau reo hò, hô vang “Việt Nam muôn năm”... Những lời chia sẻ dù có khác nhau về cách diễn đạt nhưng tựu chung một cảm xúc như vậy khi nói về ký ức Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những cựu chiến binh Sơn La từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam năm xưa.

Những ngày này, khắp nơi vang lên ca khúc “Ngày toàn thắng”, tôi tìm gặp những người lính chống Mỹ năm xưa để được nghe kể về ký ức hào hùng của ngày 30/4 lịch sử cách đây 48 năm. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Lò Hồng Sơn, xã Mường Giàng, Quỳnh Nhai. Trong bộ quân phục chỉnh tề, ông Sơn kể lại hành trình từ lúc nhập ngũ cho đến khi xuất ngũ trở về quê hương, những năm tháng hào hùng tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam. Dù tuổi đã cao, nhưng ở ông vẫn toát lên khí khái đĩnh đạc, giọng nói sang sảng đầy tự hào về những chiến công anh dũng của quân và dân ta, đôi lúc trùng lại, bồi hồi khi nói về những mất mát, hy sinh của đồng đội mình trong những ngày bom đạn ác liệt.

Cựu chiến binh Lò Hồng Sơn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai kể lại kỷ niệm trong ngày đại thắng 30/4/1975.

Nhập ngũ năm 1973, chiến sĩ trẻ dân tộc Thái Lò Hồng Sơn khi đó được huấn luyện gấp rút tại Nghệ An chỉ vài tháng và biên chế vào Trung đoàn pháo binh, Sư đoàn 316, rồi cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Ông Sơn nhớ lại: Thực hiện nhiệm vụ hành quân chi viện cho chiến dịch Tây Nguyên, mất 2 tháng ròng rã, ban ngày thì ẩn nấp, đêm đến mới hành quân đường rừng. Sau khi giải phóng Buôn Mê Thuật, chúng tôi tiếp tục hành quân vào Sài Gòn, nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, yểm trợ cho quân đội chủ lực. Tôi nhớ mãi, vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, nhận được thông báo quân ta đã đánh chiếm được Dinh Độc Lập, chúng tôi ôm nhau reo hò vui sướng, một cảm giác vỡ òa và xúc động tột độ mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.

CCB Trương Kim Mậu, phường Tô Hiệu, Thành phố (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội.

Cũng nói về ký ức ngày chiến thắng, ông Trương Kim Mậu, phường Tô Hiệu, Thành phố cũng cảm xúc bồi hồi và tự hào như thế. Trở thành người lính đặc công khi mới 20 tuổi, ông Mậu được tham gia nhiệm vụ trinh sát mục tiêu, trực tiếp tham chiến ở chiến trường Tây Nguyên rồi hành quân về Bình Thuận, gia nhập quân đội địa phương đánh chiếm các mục tiêu hỗ trợ cho quân đội chủ lực tiến vào Sài Gòn. Trong ký ức của ông Mậu, ông vẫn nhớ như in trận đánh chiếm cầu Phú Long (Bình Thuận), mở đường cho đại quân tiến lên, khoảnh khắc đó ngập tràn niềm tin và hy vọng vào một ngày giải phóng không xa. Tiểu đoàn đặc công lúc đó quyết tâm chiếm giữ mục tiêu, đánh chiếm các bốt gác, truy kích địch để bảo vệ từng khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quân đội ta. Ông Mậu bồi hồi: Ngày đó, mỗi đội trinh sát chỉ có 3 người. Có lần đi trinh sát đêm, để tránh pháo sáng, cả đội cùng chui xuống hố trốn, pháo sáng vừa tắt, một đồng đội vừa bò lên khỏi hố thì trúng đạn pháo cối. Tôi và người còn lại lòng đau như cắt, không thể làm gì khi chứng kiến đồng đội mình nát thịt, tan xương ngay trước mắt. Gạt giọt nước mắt cay xè, chúng tôi tiếp tục bò lết trong đêm tối, hướng về căn cứ. Tôi cũng bị thương nặng ở cánh tay vào đêm hôm ấy, máu chảy ướt cả áo nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục chiến đấu.

Những ngày tháng 4 ác liệt ấy, ông Phạm Ngọc Diễn, phường Quyết Thắng, Thành phố, khi đó là chiến sĩ trinh sát 19 tuổi đóng quân ở Tây Ninh, cùng đồng đội đánh chiếm và giữ mục tiêu quốc lộ 22, mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Ông Diễn kể: Ngày ấy, quân Ngụy cố tình bêu xấu hình ảnh những người chiến sĩ cộng sản. Chúng tôi lúc đó đã được quán triệt, mỗi người để dành một bộ đồ quân phục lành lặn nhất để chuẩn bị cho ngày giải phóng. Khoảng 16h ngày 30/4, đón tin giải phóng Sài Gòn, chúng tôi được lệnh rút quân khỏi rừng cao su. Lúc ấy, cả trung đội nghiêm chỉnh trong bộ quân phục đẹp nhất, hàng ngũ chỉnh tề, hiên ngang bước đi trong sự ngỡ ngàng và trầm trồ của dân chúng.

Gác lại vinh quang ngày chiến thắng, những người lính giải phóng Sài Gòn tiếp tục hành trình quân ngũ nhiều năm sau đó, rồi mỗi người một nhiệm vụ, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Năm 1983, sau khi phục viên trở về Quỳnh Nhai, ông Lò Hồng Sơn tham gia công tác tại quê nhà, trở thành Bí thư Đảng ủy xã đầy trách nhiệm và tâm huyết. Ông Trương Kim Mậu trở thành cán bộ Nhà nước, sau là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ông Phan Ngọc Diễn tiếp tục sự nghiệp quân ngũ, giữ hàm Đại tá, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh.

48 năm đã đi qua, nhưng với những người lính tham gia giải phóng Sài Gòn năm xưa, cảm xúc khi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tim. Những chiến sĩ ấy nay đều đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” song vẫn cống hiến sức mình cho quê hương, làm gương sáng cho con cháu noi theo, tiếp lửa và niềm tin sắt son với Đảng trong lòng thế hệ trẻ.

Thanh Đào (ghi theo lời kể các nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới