Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, đã giúp học sinh vùng sâu, vùng xa trong tỉnh yên tâm học tập, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Đến thăm Trường PTDT bán trú TH&THCS xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, vào đúng giờ ăn trưa của học sinh. Ở đây, khu vực nhà ăn thoáng đãng, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, những suất cơm đã được chia sẵn vào khay inox sạch sẽ. Thầy giáo, Nguyễn Hữu Thành, Phó hiệu trưởng, cho biết: Năm học 2024-2025, trường có 431 học sinh bán trú, 100% là dân tộc Mông; trong đó, 248 học sinh tiểu học và 183 học sinh THCS. Nhà trường có 2 nhà ăn, 17 phòng ở bán trú, bố trí 8 nhân viên nhà bếp nấu ăn cho học sinh và hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện cung ứng thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng; công tác tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm và lưu mẫu thức ăn luôn được thực hiện đúng quy định. Mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng theo Nghị định 116 của Chính phủ đã giúp các em học sinh có bữa ăn đủ dinh dưỡng, đến lớp đều. Đầu năm học, trường được Tạp chí Gia đình Việt Nam ủng hộ chăn, gối, màn, chiếu và các đồ dùng thiết bị học tập, y tế học đường, tổng trị giá gần 200 triệu đồng, đã giúp các em có thêm điều kiện ở bán trú.
Em Mùa A Dủa, học sinh lớp 4A2, Trường PTDT bán trú TH&THCS Xím Vàng, chia sẻ: Nhà em ở bản Trông Tầu, cách trường 17 km, nên được ăn và ở bán trú tại trường. Hằng ngày khi ở trên lớp, em và các bạn được thầy, cô dạy bảo tận tình, chu đáo. Sau giờ học, chúng em có những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, thầy, cô còn hướng dẫn chúng em dọn phòng ở, vệ sinh cá nhân; trồng và chăm sóc vườn rau, hoa. Chúng em sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Còn tại huyện Yên Châu, có 23 bếp ăn bán trú; trong đó, 11 trường mầm non, 3 trường liên cấp TH-THCS, 2 trường PTDT bán trú THCS, 5 trường THCS, 2 trường THPT, với trên 2.400 học sinh được hưởng chính sách ăn bán trú. Ngoài ra, có 4 trường mầm non và 1 trường tiểu học tổ chức nấu ăn bán trú theo hình thức phụ huynh đóng góp. Nhờ chính sách của nhà nước về hỗ trợ học sinh vùng khó, nhất là việc hỗ trợ kinh phí và tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, nhiều năm nay, các trường không còn học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục được nâng lên, hầu hết các trường PTDT bán trú đều có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đoạt giải.
Ông Đinh Công Bằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu, cho biết: Phòng đã tham mưu cho huyện đầu tư cơ sở vật chất, phòng, lớp học; nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh; hệ thống sân chơi, bãi tập, dụng cụ TDTT; các công trình phụ trợ khác phục vụ cho học tập và sinh hoạt bán trú. Đồng thời, chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh bán trú; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống cháy nổ, tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh bán trú theo quy định.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 75 trường phổ thông tổ chức nấu ăn bán trú tập trung, gồm: 22 trường tiểu học, 15 trường THCS, 23 trường liên cấp tiểu học và THCS; 11 trường PTDT nội trú các THCS&THPT huyện, 1 trường THPT nội trú tỉnh, 1 trường THPT, 2 trường liên cấp THCS&THPT, với 60.688 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú, hỗ trợ gạo; trong đó có 38.816 học sinh ăn tập trung bán trú tại trường. Nhờ thực hiện tốt chính sách, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 4,24% năm học 2020-2021 xuống 3% năm học 2023-2024 giảm; tỷ lệ học sinh hoàn thành THCS học tiếp lên THPT đạt 70,1% (tăng 5,1%).
Cùng với đó, toàn tỉnh có 46 trường mầm non thực hiện nấu ăn tập trung, với 13.654 trẻ được ăn bán trú tại trường. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em đến lớp được duy trì; tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp đạt 99%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,91%, tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 3%.
Việc nấu ăn bán trú đã giúp học sinh có thời gian tập trung vào học tập, có thói quen thực hiện nếp sống kỷ luật, biết quan tâm chăm sóc bạn bè, đoàn kết chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt. Công tác an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường được đảm bảo; nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, cũng như việc tổ chức khám định kỳ hằng năm cho học sinh thường xuyên được thực hiện, góp phần phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thể chất học sinh.
Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Hằng năm, sở rà soát, kịp thời phân bổ kinh phí cho các trường, nhằm đảm bảo tốt nhất chế độ cho học sinh vùng khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế, để công tác nấu ăn bán trú cho học sinh vùng cao, vùng khó khăn ngày càng hiệu quả, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục, rất cần sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để học sinh vùng khó khăn có thêm điều kiện học tập, thắp sáng ước mơ đến trường.
Việc quan tâm và chăm lo đến bữa ăn bán trú của học sinh ở vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số, không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho các gia đình, nâng cao sức khỏe và duy trì sĩ số học sinh, mà còn là động lực thúc đẩy giáo dục phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!