Thị trường hàng hóa dịp tết đang sôi động, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, bánh, kẹo, mứt, bia, rượu tăng mạnh. Kiểm tra chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, đang được cơ quan chức năng huyện Sông Mã triển khai đồng bộ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trên địa bàn huyện Sông Mã có hơn 2.981 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; 165 cơ sở dịch vụ ăn uống; 122 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 46 bếp ăn tập thể. Ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch về triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết và mùa lễ hội; kiện toàn Ban Chỉ đạo và đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP; kiểm tra, kiểm soát thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Sông Mã đã mở 4 hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Tổ chức cho 266 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP; xây dựng nội dung tuyên truyền, phát 230 lượt trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản hướng dẫn nhân dân cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn, chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Chị Phạm Thị Nga, chủ quán ăn Thảo Nguyên, bản Híp, xã Chiềng Khương, cho biết: Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được 5 năm, chúng tôi luôn lấy chất lượng làm chữ tín với khách hàng. Trung bình quán phục vụ từ 100 khách/ngày. Gần Tết, nguồn thực phẩm đa dạng hơn, nên tôi càng phải chọn lựa nghiêm ngặt, giữ uy tín phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, huyện Sông mã phối hợp với các lực lượng; thành lập đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã tiến hành kiểm tra. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 20 đoàn liên ngành kiểm tra 113 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra, nhận thấy ý thức các chủ cơ sở được nâng cao, đa số tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về ATTP. Trong đó, các điều kiện về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.
Tuy nhiên, còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác... Điển hình ngay trong đợt cao điểm, ngày 11/1/2025, Tổ công tác liên ngành do Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - tham nhũng - môi trường, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị chức năng của huyện và xã Chiềng Khương, kiểm tra cửa hàng tạp hóa Nam Ngát, bản Khương Tiên, phát hiện chủ cửa hàng đang đóng gói thủ công các hộp mứt tết từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Tang vật thu giữ gồm 250 hộp bánh mứt, hơn 30 kg bánh kẹo mứt rời các loại và hơn 200 phôi, nhãn mác mứt tết đang chờ đóng hộp. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Thị trường hàng hóa tết đã sôi động, tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn huyện, lượng người mua, người bán đông hơn ngày thường. Công tác tuyên truyền đến với người dân về phòng chống gian lận thương mại cũng được tăng cường; nhất là khuyến cáo đến mọi người dân về lựa chọn hàng hóa dịp tết bảo đảm chất lượng, an toàn được chú trọng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ dân phố 3, thị trấn Sông Mã, chia sẻ: Mua sắm bánh kẹo, rượu, bia phục vụ Tết của gia đình, tôi thường lựa chọn các cửa hàng có địa chỉ tin cậy hay các siêu thị. Tuy nhiên, khi mua hàng, tôi luôn chú ý lựa chọn các thương hiệu có uy tín, xuất xứ rõ ràng và hạn sản xuất để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Thị trường mua sắm đang sôi động, tình hình buôn bán gian lận, vi phạm thương mại cũng như kinh doanh các mặt hàng luôn có những diễn biến phức tạp. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần phải tự nâng cao kiến thức, trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để bản thân và gia đình chuẩn bị đón tết đầm ấm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!