Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/7/2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nghị định số 55 ra đời đã tạo lực đẩy quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh làm thủ tục

cho người dân phường Tô Hiệu (Thành phố) vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, đối tượng vay vốn được mở rộng hơn; mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được nâng lên gấp 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 41. Bên cạnh đó, thời gian trước đây, việc tiếp cận vốn vay của nông dân chủ yếu qua 2 kênh là Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng CSXH mà chưa có sự tham gia nhiều của các ngân hàng khác thì thực hiện theo Nghị định 55, hàng loạt các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Quân đội, các quỹ tín dụng... cũng dành vốn ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung cân đối nguồn vốn để 100% khách hàng đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tham gia Tổ công tác của tỉnh khảo sát, làm việc và đề xuất hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Là đơn vị đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, chiếm 77% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, Agribank Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đề án cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông dân, tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 55 tại 12 huyện và thành phố. Ký thỏa thuận và quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể để thực hiện chính sách tín dụng. Đồng thời, có nhiều chính sách ưu đãi hơn các tổ chức tín dụng khác trong việc cho vay chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn như giảm lãi suất từ 0,5-1% so với mức lãi suất cho vay ưu đãi hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cho các khách hàng thực hiện các chuỗi liên kết cung ứng, sản xuất, tiêu thụ. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với các quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến hết quí I/2017, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 13.231 tỷ đồng, chiếm 52,5% tổng dư nợ với 54.110 khách hàng. Trong đó, có 53.732 khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh; 24 hợp tác xã; 354 doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể xây dựng quy chế phối hợp; dư nợ cho vay có sự tăng trưởng rõ rệt góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã có điều kiện để đầu tư và thu mua nông sản chế biến như ngô, sắn, lúa gạo, cà phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao khác, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao (trên 500 triệu đồng/năm); các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 đã hỗ trợ cho các hợp tác xã, các tổ hợp tác có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của xã viên.

Với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, hàng nghìn hộ gia đình nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn phát triển; góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới