Tăng cường quản lý, bảo vệ và PCCCR khu vực giáp ranh

Những năm gần đây, công tác bảo vệ, PCCCR được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất của bà con được triển khai kịp thời, hiệu quả, nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo thêm sinh kế, huy động sự tham gia bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Lực lượng kiểm lâm huyện Sốp Cộp tuần tra bảo vệ rừng.

Theo thống kê của ngành Kiểm lâm, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Điện Biên và Lai Châu thuộc địa bàn 7 huyện, 21 xã, với tổng diện tích tự nhiên vùng giáp ranh là 704.182 ha; trong đó diện tích có rừng hơn 423.000 ha, tỷ lệ che phủ đạt gần 45%. Đây là những khu vực có trữ lượng, chất lượng rừng cao, đa dạng sinh học và lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tại những khu vực giáp ranh giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, Lai Châu vẫn còn xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, khai thác tài nguyên rừng trái pháp luật.

Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Do tính chất quan trọng của vùng giáp ranh cần được ưu tiên bảo vệ, năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ký quy chế phối hợp về công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh 3 tỉnh. Đồng thời, phổ biến đến toàn thể lực lượng kiểm lâm của 3 tỉnh; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm có diện tích rừng vùng giáp ranh xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, PCCCR vùng giáp ranh.

Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, lực lượng kiểm lâm đã tích cực tham mưu cho chính quyền các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã và các chủ rừng vùng giáp ranh đẩy mạnh tuyên truyền quy định về công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR. Vận động nhân dân các bản giáp ranh ký cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn động vật hoang dã và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Hơn 3 năm qua, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh đã thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, Mường La phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tại các bản giáp ranh, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Công tác quản lý bảo vệ rừng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh được Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn các tỉnh nói chung, vùng giáp ranh nói riêng. Hàng năm, trước mùa khô hanh các Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND 3 tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác PCCCR, đặc biệt là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ PCCCR, sẵn sàng tham gia phối hợp cứu chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, tại các khu vực giáp ranh giữa các huyện không xảy ra cháy rừng, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể.

Ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, cho biết: Trước đây, tại khu vực giáp ranh giữa xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp và xã Mường Lói huyện Điện Biên xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, phá rừng trái phép. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng hai huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, đến nay tình hình đã cơ bản ổn định, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Với việc triển khai hiệu quả quy chế phối hợp, ý thức, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, cấp ủy, ban quản lý các bản, chủ rừng và nhân dân khu vực giáp ranh đã được nâng cao. Đặc biệt, nhiều mô hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng được nhân rộng, nhiều diện tích đất lâm nghiệp trước đây bị lấn chiếm đã được nhân dân tham gia trồng lại rừng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội các vùng giáp ranh.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới