Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và xã hội, tỉnh ta đã quy hoạch, hình thành 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, vùng kinh tế dọc sông Đà và vùng cao biên giới. Đồng thời, đề ra những định hướng cụ thể, phù hợp đối với từng vùng nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Mường La.
Với nhiều thuận lợi, nhất là về đất đai, giao thông, vùng kinh tế dọc quốc lộ 6 được xác định là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh ta tập trung phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, như: Chè, cà phê, sắn, mía, cây ăn quả ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, gắn với củng cố, phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm đã có thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường, như: Chè, sữa Mộc Châu, đường tinh luyện, tinh bột sắn, xi măng… Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tham gia vào các chuỗi tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng và hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa của Thành phố Sơn La, trung tâm chính trị huyện Mộc Châu và các thị trấn, các khu vực đang phát triển đã được định hướng trở thành thị trấn; đã nâng cấp, chỉnh trang thành phố Sơn La được công nhận là đô thị loại II và đô thị Mộc Châu; thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) đạt tiêu chí đô thị loại IV; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn, Cụm công nghiệp Bó Bun Mộc Châu, Khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du kịch của vùng, trong đó tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 9,7%, bình quân giảm 2,16%/năm; có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 54,2% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh và bằng 55,3% tổng số xã toàn vùng); có 39 xã đạt tiêu chí giao thông bằng 71%, 55 xã đạt tiêu chí điện và thủy lợi bằng 100% số xã toàn vùng.
Vùng cây ăn quả tập trung xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Vùng kinh tế dọc sông Đà chủ yếu ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và một phần các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu có tiềm năng về diện tích mặt nước các lòng hồ thủy điện. Do đó, trọng tâm là khai thác mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và các thủy điện nhỏ để phát triển nuôi cá lồng; chuyển đổi cơ cấu loài theo hướng giảm dần các loại truyền thống sang các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng... Tranh thủ điều kiện thuận lợi, từ năm 2016 đến 2020, tỉnh ta tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện, phát triển thủy điện bền vững trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; gắn phát triển các nhà máy thủy điện với việc sắp xếp lại dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức lại hệ thống sản xuất và dịch vụ tại các điểm dân cư mới, thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng và xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn. Khai thác tốt các chợ ven sông để trao đổi, buôn bán hàng hóa; khai thác tiềm năng của lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển du lịch...
Người dân Chiềng Sinh (Thành phố) phát triển cây cà phê, một trong những cây chủ lực vùng dọc quốc lộ 6.
Ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp cũng được quan tâm thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Gia Phù, cụm công nghiệp Quang Huy (Phù Yên); duy trì tốc độ phát triển ổn định với các sản phẩm chủ yếu, như: Gia công giày da xuất khẩu, may mặc, gạch, đá xây dựng... Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 14,07%, bình quân mỗi năm giảm 4,15%; có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 27,1% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh và bằng 22,8% tổng số xã toàn vùng); có 25 xã đạt tiêu chí giao thông, bằng 44%; 56 xã đạt tiêu chí về điện, bằng 98%; 57 xã đạt tiêu chí thủy lợi, bằng 100% số xã toàn vùng.
Đối với vùng cao biên giới, tranh thủ các nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển các xã, tuyến dọc biên giới. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu không ngừng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135, nông thôn mới... để tập trung hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, tăng cường khuyến công, khuyến nông, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh sản xuất nông lâm nghiệp; định canh định cư; chuyển hướng mạnh sang sản xuất hàng hóa; bảo vệ rừng đầu nguồn; hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 26,82%, bình quân giảm 4,31%/năm; có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 18,8% tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh và bằng 11,9% tổng số xã toàn vùng); có 21 xã đạt tiêu chí giao thông, bằng 38%; 73 xã đạt tiêu chí điện, bằng 96%; 72 xã đạt tiêu chí thủy lợi, bằng 95% tổng số xã toàn vùng.
Rừng ở xã vùng cao Chiềng Xuân (Vân Hồ) được quan tâm bảo vệ tốt
Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng của từng vùng kinh tế, ưu tiên phát triển vùng kinh tế động lực, có sức tác động, thúc đẩy và lan tỏa tới các vùng kinh tế khác. Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6 tiếp tục được xác định là đầu tàu trong phát triển KT-XH của tỉnh. Tập trung huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch. Củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với trình độ công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Vùng kinh tế dọc sông Đà đẩy mạnh phát triển nông, lâm, thủy sản; phát triển dịch vụ đường sông, công nghiệp điện và du lịch. Vùng cao biên giới với địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới; quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã) và Lóng Sập (Mộc Châu); tiếp tục triển khai quy trình, thủ tục nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập lên cửa khẩu quốc tế.
Nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu.
Những định hướng phát triển trên là rất phù hợp đối với từng vùng. Thêm các yếu tố để tạo sự liên kết phát triển giữa các vùng, như: Xây dựng các tour du lịch từ vùng này sang vùng khác; xây dựng hệ thống liên hoàn giao thông đường bộ - đường thủy... không những khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng mà giữa các vùng còn hỗ trợ nhau, tạo thế chân kiềng phát triển vững chắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!