Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tỉnh ta đẩy mạnh, không những giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận với các loại hàng Việt chất lượng cao, mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.
Người dân mua sắm hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp.
Đưa nhiều hàng Việt về nông thôn
Phiên chợ hàng Việt tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp được tổ chức vào những ngày cuối năm, rất đông bà con từ các xã Nậm Lạnh, Púng Bánh, Dồm Cang đến mua hàng. Tại đây, có sự tham gia của 60 doanh nghiệp với 80 gian hàng, hầu hết là mặt hàng tiêu dùng như đồ điện dân dụng, quần áo, giày dép, bánh kẹo... đều “made in Việt Nam”. Nhìn sơ qua cũng có thể nhận ra những sản phẩm quen thuộc như đồ điện các hãng toshiba, osaka, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, chăn Sông Hồng... Vừa cùng vợ chọn mua hàng, anh Lò Văn Thuận ở bản Dồm, xã Dồm Cang vui vẻ cho biết: Khi biết có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại huyện, vợ chồng tôi tranh thủ đi sắm ít hàng gia dụng. Vào đến đây, thấy có bán chăn đẹp, giá cả phải chăng nên tôi mua thêm một chiếc. Vài năm nay, gia đình tôi thường mua hàng Việt Nam về dùng và rất yên tâm về chất lượng.
Còn chị Nguyễn Thị Sao, hộ kinh doanh tại tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên (Phù Yên) với thâm niên 10 năm mang hàng hóa đi tham gia các phiên chợ, hội chợ trong và ngoài tỉnh, cho biết: Tại các phiên chợ ở khu vực nông thôn, những người bán hàng đã trở thành một kênh tuyên truyền tích cực cho hàng Việt. Tôi bán hàng và thường xuyên giới thiệu đến khách hàng về hàng Việt Nam, bởi hàng Việt vừa có giá cả hợp lý vừa có mẫu mã đẹp.
Các sản phẩm sản xuất trong nước đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp với túi tiền của người dân. Hầu hết người tiêu dùng nông thôn trên địa bàn tỉnh khi được hỏi đều cho rằng, trước đây họ ít mua hàng Việt, vì hàng ngoại nhập có giá bán thấp hơn. Từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp, người dân được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng cao, do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giá bán phù hợp thì thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Thông qua các phiên chợ hàng Việt thực sự là những cơ hội rất tốt để nâng cao kiến thức tiêu dùng, nhận thức của người dân về trách nhiệm và niềm tự hào đối với sản phẩm hàng hoá trong nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn hàng Việt giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo mà không phải đi lại quá xa.
Cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tại các khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các loại hàng Việt chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đã tổ chức rất nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Bình quân, mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 2-3 phiên chợ về các huyện vùng núi, huyện biên giới... Các phiên chợ đã tạo được cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng nên được người dân rất quan tâm, mong đợi; thu hút được nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia.
Hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều nhận thấy được lợi ích khi tham gia các phiên chợ như thế này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua các phiên chợ, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ, tốt nhất về thị trường địa phương, doanh nghiệp sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây cũng là một cơ hội tốt giúp doanh nghiệp có thể gặp gỡ các nhà phân phối, các đại lý tiềm năng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ và nguyên vật liệu để có kế hoạch hợp tác, đầu tư phát triển sau này.
Anh Nguyễn Tiến Hưng, quản lý bán hàng của Công ty sản xuất đồ gia đình Tấn Tiến (Hà Nội), chia sẻ: Khi tham gia phiên chợ hàng Việt, mục tiêu của chúng tôi không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm mà quan trọng hơn là làm sao quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của mình tới khách hàng và tìm kiếm được các cơ hội hợp tác với các nhà phân phối, bán lẻ. Mặt khác, thông qua các phiên chợ, chúng tôi cũng thu thập được nhiều thông tin, góp ý để có thể xác định và lập ra được những chiến lược kinh doanh mới cho sản phẩm và dịch vụ của mình sao cho ngày càng phù hợp với thị trường và yêu cầu của khách hàng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn các huyện, nhất là ở những vùng khó khăn là rất lớn, trong khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm những thứ mình cần với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý. Riêng trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 14 hội chợ tại 12 huyện, thành phố, với tổng quy mô trên 1.200 gian hàng, tổng giá trị trao đổi hàng hóa khoảng 13 tỷ đồng, thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Tại các phiên chợ, hội chợ, người dân còn được nhiều doanh nghiệp tư vấn các thông tin cần thiết, tham quan các gian hàng của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh hướng dẫn về cách phân biệt hàng thật- giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật. Đồng thời, phiên chợ cũng góp phần tạo nên không khí vui tươi, điểm sinh hoạt thương mại ấn tượng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn đã mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua mỗi phiên chợ, người dân từng bước quan tâm, ưu tiên mua sắm và tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Còn các doanh nghiệp thì củng cố thêm niềm tin vào thị trường nông thôn, nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là những cú hích để đưa kinh tế ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!