Mường La bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản

Với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và yếu tố khí hậu, ở huyện Mường La rừng có hệ thực vật phong phú, có nhiều cây sống hàng trăm năm tuổi, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử, mỹ quan. Hiện nay, toàn huyện có 39 cây được công nhận cây di sản với tuổi đời từ 300 năm đến 1.000 năm.

Giọng nữ

Huyện Mường La đã chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên, khuyến khích nhân dân chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc cây di sản, góp phần phát triển đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho các xã, thị trấn của huyện Mường La

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, nói: Năm 2023, huyện Mường La đã tập trung rà soát cây cổ thụ trên địa bàn, phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện khảo sát và công nhận 7 cây tại xã Ngọc Chiến, gồm: Một cây du sam núi đất, ở bản Nà Tâu; một quần thể 3 cây đa tía tại bản Lướt; một cây gạo nằm ở trung tâm bản Phày; hai cây sồi tại bản Mường Chiến. Trong đó, cây du sam núi đất có tuổi đời trên 1.000 năm.

Từ đầu năm đến nay, qua khảo sát, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận 32 cây cổ thụ là cây di sản Việt Nam, gồm các loại cây: Đa tía, đa si, đa trơn, muỗm, xoài hôi, mắc chai, quéo, gạo, thung, sấu, dâu rừng và cây me tại 17 bản, tiểu khu thuộc thị trấn Ít Ong và các xã Mường Bú, Tạ Bú, Hua Trai, Nặm Păm. Các cây được công nhận đáp ứng tiêu chí: Là cây cổ thụ, cây được coi là nhân chứng lịch sử, nhân chứng văn hoá, được cộng đồng công nhận và tôn vinh…

Hội đồng cây di sản Việt Nam và xã Ngọc Chiến gắn biển cây di sản Việt Nam cho cây du sam, bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến.

Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: 7 cây di sản là niềm tự hào của nhân dân xã Ngọc Chiến. Các cây cổ thụ ở đây gắn liền với quá trình hình thành phát triển của mỗi bản, mang giá trị văn hóa tâm linh. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ cây di sản, giao cho người đại diện của từng bản để quản lý, đồng thời, hình thành các điểm du lịch tâm linh, tạo sinh kế cho nhân dân.

Quần thể cây đa tía, bản Lướt, xã Ngọc Chiến được công nhận cây di sản. 

Đầu tháng 6, thị trấn Ít Ong cũng được công bố quyết định công nhận 9 cây di sản, gồm: Một cây đa trơn, bản Nà Nong; một cây quéo lá dài, một cây muỗm, bản Nà Tòng; hai cây me ở tiểu khu Hua Ít; hai cây muỗm và hai cây quéo lá dài ở tiểu khu Phiêng Tìn.

Ông Trần Hải Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, nói: Thị trấn đã tuyên truyền các bản theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây. Phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và cây di sản, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và phát huy vai trò, ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm.

Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và thị trấn Ít Ong gắn biển cây di sản. 

Cây di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai. Huyện Mường La đã có kế hoạch bảo tồn các cây di sản, vận động nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tham vấn ý kiến của các chuyên gia để có biện pháp chăm sóc cây phù hợp, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen của những loài cây quý, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

 

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới