Nhiều năm nay, bà con dân tộc Mông ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, luôn duy trì phát triển nghề thêu, may trang phục thổ cẩm truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phụ nữ đồng bào dân tộc Mông thường tranh thủ lúc nông nhàn để thêu may trang phục thổ cẩm truyền thống. Bởi vậy, đến xã Lóng Luông, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ dân tộc Mông ngồi thêu váy áo bên bếp lửa những ngày giá rét hoặc vừa thêu vừa tận hưởng những tia nắng ấm áp hiếm hoi của mùa đông. Có những gia đình, cả 3 thế hệ quây quần ngồi thêu cùng nhau.
Em Mùa Thị Ca, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, chia sẻ: Là người con của đồng bào dân tộc Mông, em được học và biết thêu từ nhỏ. Theo truyền thống, dịp cuối năm, em đều tranh thủ thêu cho mình một bộ váy mới để mặc trong dịp tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.
Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người phụ nữ dân tộc Mông, đã hoàn thành những bộ váy áo với các nét hoa văn thổ cẩm tinh tế, thể hiện văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông, như: Những hoa văn hình học, hình cỏ cây, hoa lá, mặt trời... Trước đây, đồng bào dân tộc Mông làm thổ cẩm thủ công phải trải qua nhiều công đoạn: Từ trồng lanh, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn và thêu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, thiết bị, nhiều công đoạn được sử dụng máy móc, chỉ còn thêu hoa văn trên váy và tay áo là được làm thủ công. Vải cũng chủ yếu là vải may công nghiệp, chỉ còn số ít trồng lanh, dệt vải để làm trang phục cho người khi khuất núi.
Đến cửa hàng may trang phục dân tộc Mông nhà chị Sồng Thị Đúa, bản Co Lóng, xã Lóng Luông, đúng thời điểm chị đang tích cực hoàn thiện những bộ trang phục cho khách hàng đặt dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông. Chị Đúa chia sẻ: Từ khi còn nhỏ tôi đã được bà, mẹ dạy thêu váy áo; khi đó tôi đã có niềm đam mê với thêu may trang phục, tôi thích tự sáng tạo và làm trang phục cho riêng mình. Đến năm 2015, nhận thấy nhu cầu thuê may trang phục của người dân tăng cao, với niềm đam mê làm trang phục từ nhỏ và mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, tôi đã mở cửa hàng nhận may thuê trang phục. Tôi mua vải, những phần hoa văn được thêu thủ công từ người dân về may theo yêu cầu của khách hoặc khách tự thêu sẵn mang đến thuê tôi may lại hoàn chỉnh. Nhiều khách có yêu cầu cách tân trang phục, tôi lên mạng học làm những mẫu mới. Mỗi bộ bình quân có giá từ 3 triệu đồng trở lên theo yêu cầu của khách. Khi ít việc, tôi còn may sẵn rồi đăng lên Facebook để bán online. Công việc này đã giúp tôi có thu nhập ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Xã Lóng Luông hiện có 90% là đồng bào dân tộc Mông, người dân nơi đây vẫn giữ phong tục mặc trang phục truyền thống, đặc biệt không thể thiếu vào những dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, nghề làm trang phục dân tộc Mông trên địa bàn xã luôn được lưu giữ bằng cách truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay, nghề làm trang phục rất phát triển tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Trên địa bàn xã có khoảng 15 cửa hàng may, kinh doanh trang phục, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân và tạo việc làm cho trên 40 lao động.
Nghề may trang phục đồng bào dân tộc Mông ở Lóng Luông được duy trì và phát triển, không chỉ góp phần gìn giữ nét văn hóa dân tộc truyền thống, mà còn tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!