Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Chiềng Cơi là phường được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Chiềng Cơi và các xã Chiềng Cọ, Hua La (cũ). Từ đầu tháng 6 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi ở các bản Nẹ Tở, Hùn, Hôm, Ót Luông, khiến 131 con lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng 4.273 kg. Cấp ủy, chính quyền phường đang khẩn trương khoanh vùng, dập dịch không để dịch bệnh lây lan diện rộng, giúp người dân yên tâm, phát triển chăn nuôi.

Giọng nữ
Cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng và đô thị phường Chiềng Cơi hướng dẫn các hộ sử dụng vôi bột khử trùng chuồng nuôi gia súc.

Ông Nguyễn Văn Thản, Chủ tịch UBND phường Chiềng Cơi, cho biết: Phường đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội... về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của gia đình, cộng đồng. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các tổ, bản thường xuyên giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Đối với các bản có dịch, khẩn trương khoanh vùng, tổ chức tiêu hủy lợn đúng quy định; hỗ trợ thuốc phun tiêu độc tại khu vực chăn nuôi và ổ dịch; hướng dẫn, giám sát người dân không bán hoặc giết mổ lợn ốm, lợn chết chưa rõ nguyên nhân.

Cùng với đó, phường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh ở động vật; kiểm tra các cơ sở giết mổ, nuôi nhốt gia súc trên địa bàn. Phối hợp với Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương, không được giấu dịch, không vứt xác động vật ra môi trường. Đặc biệt, không mua bán, trao đổi, vận chuyển gia súc mắc bệnh ở vùng dịch sang các địa phương lân cận.

Cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng và đô thị phường Chiềng Cơi hướng dẫn hộ dân pha hóa chất phun khử trùng chuồng nuôi lợn.

Bản Hôm hiện có 40 hộ nuôi hơn 800 con lợn. Từ đầu tháng 7 đến nay, trong bản có 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Quàng Văn Xiểng, với 8 con lợn xuất hiện đốm xanh tím dưới bụng và chân đi không vững, nôn mửa, thở gấp, tiêu chảy và bất thường về thần kinh. Ông Xiểng đã báo cho Ban Quản lý bản và cán bộ Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII để lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh theo đúng kỹ thuật. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân lợn ốm, chết là do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến 15/7, gia đình ông Xiểng tiếp tục tiêu hủy 2 con lợn nái với trọng lượng hơn 300 kg.

Ông Xiểng xót xa: Đàn lợn của gia đình tôi không may bị mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn đối với gia đình. Tuy nhiên, tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, gia đình không giấu dịch, không bán chạy lợn ốm để gỡ vốn. Gia đình tôi đã phun hóa chất và rắc vôi bột khử khuẩn chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tôi mong các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ gia đình sớm phục hồi chăn nuôi.

Hộ gia đình trên địa bàn phường Chiềng Cơi sử dụng vôi bột khử trùng chuồng trại.

Còn tại gia đình ông Lò Minh Văn, bản Hôm, nuôi 36 con lợn nái, 5 con lợn đực; 300 con lợn thịt, mỗi con có trọng lượng từ 50-60kg, quy mô chuồng nuôi rộng 2.000 m². Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình ông đã thực hiện phương châm “ngoại bất nhập”, hạn chế tối đa người ngoài vào khu vực gia trại. Ông Minh tâm sự: Năm 2020, gia đình có hơn 74 con lợn, tổng trọng lượng hơn 46 tấn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, phải tiêu hủy, thiệt hại rất lớn. Rút kinh nghiệm, quy trình nuôi được gia đình thực hiện đảm bảo chặt chẽ từ việc chọn con giống, thức ăn, nước uống đến tiêm phòng bệnh, điều này giúp ngăn chặn việc đưa mầm bệnh vào gia trại. Đang vào mùa mưa, ẩm ướt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Do đó, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; thường xuyên rắc vôi bột, phun khử khuẩn xung quanh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ; bổ sung thức ăn, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi... Nhờ vậy, đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có thuốc chữa, vì vậy, việc phòng ngừa là hết sức quan trọng. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động phương án xử lý, chú trọng nuôi theo hướng an toàn, khép kín, từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn, để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới