Giáo dục bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh

Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ, huyện Vân Hồ luôn quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh; góp phần nâng cao ý thức cho các em trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Giọng nữ
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ duy trì mặc trang phục dân tộc khi đến lớp.

Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ hiện có 478 học sinh, gồm dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao... Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, nhà trường quy định học sinh thực hiện mặc trang phục dân tộc vào thứ hai hằng tuần và các dịp lễ, sự kiện lớn trong năm, được học sinh hưởng ứng thực hiện.

Trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, em Lầu Thị Hải Yến học sinh lớp 11A2, chia sẻ: Em rất vui và tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ở trường, chúng em không chỉ được tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình mà còn được tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc khác trên địa bàn. Từ đó, giúp chúng em hiểu và trân trọng hơn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thầy giáo Nguyễn Thế Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Công tác giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh được nhà trường thực hiện thông qua nhiều hoạt động, lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa vào các môn học, như ngữ văn, lịch sử, giáo dục địa phương, với nội dung giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ đặc sắc của các dân tộc. Đồng thời, vào các dịp lễ, nhà trường tổ chức thi các trò chơi dân gian của dân tộc, giúp học sinh vừa giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vừa xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đoàn kết.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục văn hóa dân tộc được đẩy mạnh thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, giúp học sinh nhận thức thêm về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng phòng truyền thống gắn liền với lịch sử và địa lý của địa phương.

Tham gia giờ học Giáo dục địa phương của học sinh lớp 7, khi các em luyện tập múa “Vũ điệu kết đoàn”. Trên nền nhạc dân tộc, các em thể hiện các động tác múa uyển chuyển, khỏe khoắn, sinh động, cùng nhau truyền tải thông điệp ý nghĩa của tác phẩm về đoàn kết các dân tộc.

Cô giáo Lê Thị Thu Thủy cho biết: Môn học Giáo dục địa phương có các nội dung về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội của tỉnh và huyện Vân Hồ, giúp học sinh hiểu biết, thêm lòng yêu yêu quê hương, đất nước. Kết hợp với luyện tập các điệu múa, dân ca, dân vũ các dân tộc, học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Nhà trường còn duy trì đội văn nghệ từ 28-40 người, thường xuyên luyện tập, biểu diễn các tiết mục văn nghệ chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, các bài hát múa giàu bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Em Vì Hoàng Tuyên, Đội trưởng đội văn nghệ, chia sẻ: Chúng em lựa chọn những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao,... kết hợp cùng các đạo cụ truyền thống, như gùi, dụng cụ giã bánh dày, chuông, chiêng,... giúp tái hiện rõ nét văn hóa các dân tộc một cách sinh động nhất. 

Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là nuôi dưỡng tình yêu và trách nhiệm của mỗi học sinh về bảo tồn giá trị truyền thống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phạm Hoa (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới