Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Bảo tàng tỉnh là nơi lưu trữ, bảo quản hàng nghìn tư liệu, hiện vật từ thời tiền sử, là những di sản văn hóa có giá trị quan trọng đại diện cho các thời đại lịch sử và văn hóa tại Sơn La. Với mục tiêu quản lý hiệu quả và phát huy giá trị các di sản, Bảo tàng tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, bảo tàng.

Giọng nữ

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị

Không ngừng làm phong phú kho lưu trữ bảo tàng

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng Sơn La hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 24.000 tư liệu, hiện vật, bao gồm các loại hình: Khảo cổ học, hiện vật thời kỳ phong kiến, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hiện vật dân tộc học, phim, ảnh, hồ sơ tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La… Được chia thành 9 kho lưu trữ về khảo cổ học, dân tộc học, sách cổ, kho kháng chiến, kho hiện vật chất liệu giấy, gốm, tre… Trong đó, có nhiều nhóm hiện vật còn nguyên trạng, rất quý giá và có giá trị về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, được đơn vị luôn chú trọng công tác bảo quản, quản lý, lưu giữ gắn với công tác trưng bày, triển lãm để phát huy giá trị.

Kho lưu trữ tư liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh không ngừng được bổ sung hằng năm. Đơn vị thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị, địa phương thực hiện công tác sưu tầm hiện vật về văn hóa – lịch sử cách mạng. Đặc biệt, phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khai quật, thu thập hiện vật tại các di chỉ khảo cổ, như: Di chỉ Mái đá bản Mòn (Thuận Châu), di chỉ hang Tắng (Phù Yên)… thu thập hàng nghìn hiện vật có giá trị mang về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khai quật  tại di chỉ hang Tắng, huyện Phù Yên

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói: Từ các di tích, di chỉ, nhất là các hang mộ, chúng tôi tiến hành trực tiếp khảo sát, khai quật, tìm kiếm di vật cổ, xác định niên đại. Đặc biệt là giám định trên di cốt người nguyên thủy đã được tìm thấy để xác định chủ nhân của các giai đoạn văn hóa thời cổ xưa. Từ đó có thể thấy, Sơn La còn lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều chứng tích về các giai đoạn phát triển liên tục của cư dân cổ từ thời kỳ đồ đá cũ, sang thời kỳ đá mới cho đến thời đại đồng thau, hình thành nên thời kỳ văn minh kim khí sau này.

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh còn tích cực thực hiện các cuộc khảo sát, sưu tầm hiện vật văn hóa của dân tộc Kháng, Khơ Mú, là những dân tộc ít người của Sơn La. Đồng thời, tiến hành các cuộc điền dã, khai thác tư liệu, sưu tầm hiện vật, phỏng vấn nhân chứng lịch sử các thời kỳ, liên quan đến di tích Ngã ba Cò Nòi, Nhà tù Sơn La, các sự kiện lịch sử về công cuộc khai hoang phát triển kinh tế mới, Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La… Năm 2023, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp điều tra, khảo sát giá trị và đánh giá thực trạng 3 di tích thuộc huyện Bắc Yên; tổ chức khai quật di chỉ hang Tắng (Phù Yên), thu được hơn 9.700 hiện vật khảo cổ…, góp phần bổ sung, tạo sự phong phú về loại hình, chủng loại, chất liệu cho kho lưu trữ tư liệu, hiện vật tại bảo tàng.

Các em học sinh tham quan phòng trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh

Đổi mới hoạt động truyền thông và trưng bày, triển lãm

Với tính chất đặc thù của hoạt động bảo tàng, công tác kiểm kê, bản quản là công việc được Bảo tàng tỉnh triển khai theo tính chất liên tục, đảm bảo hiệu quả, giúp duy trì hiện trạng và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, hạn chế đến mức thấp nhất  hư hỏng. Từ đó, phục vụ tốt công tác trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa quý giá của tỉnh. 

Bà Lù Thị Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng, Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: Các tư liệu, hiện vật được sắp xếp, bảo quản thành từng kho với hệ thống tủ, ngăn phù hợp với từng loại hình hiện vật và thường xuyên tiến hành vệ sinh, sử dụng các thiết bị bảo quản phù hợp trong khả năng điều kiện còn hạn hẹp về cơ sở vật chất của đơn vị, tránh những tác động của môi trường, côn trùng xâm nhập.   

Xử lý hiện vật sau khi khai quật

Lượng hiện vật đa dạng, phong phú được sắp xếp, phân loại theo niên đại, loại hình, di chỉ, chủ đề phù hợp với tiến trình lịch sử, văn hóa, xã hội vừa đảm bảo an toàn vừa khoa học, thẩm mỹ, thuận tiện cho quá trình quản lý. Các phòng trưng bày cũng được phân chia theo chủ đề, sắp xếp đẹp mắt, phục vụ cho khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Bên cạnh đó, mỗi năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức ít nhất 3 cuộc triển lãm, cao điểm có năm tổ chức 10-12 cuộc triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn với các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước. Nội dung triển lãm theo chuyên đề, hình thức thường xuyên được đổi mới, chú trọng khâu thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật, cách xây dựng không gian trưng bày mang tính nghệ thuật, tạo sự hấp dẫn và thu hút người xem.

Triển lãm tư liệu "Hồi ức Điện Biên"

Ông Lê Văn Đức, du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, nói: Tôi rất ấn tượng với không gian của Bảo tàng tỉnh Sơn La, các gian trưng bày đẹp mắt, bố trí khoa học. Gắn với đó là di tích Nhà tù Sơn La, mang đến cho du khách, nhất là những cựu chiến binh như tôi, cảm xúc bồi hồi, ý nghĩa khi được đến đây.

Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh còn tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục, như: Trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc, tìm hiểu nhân vật, sự kiện lịch sử, di sản văn hóa địa phương… Các hoạt động mang chủ đề ý nghĩa không chỉ thu hút đông đảo học sinh, sinh viên hưởng ứng mà còn giúp truyền thông, quảng bá về lịch sử - văn hóa Sơn La, tạo hiệu ứng giúp Bảo tàng tỉnh gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La được du khách gần xa biết đến nhiều hơn.

Tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông tại Bảo tàng tỉnh

Chú trọng chuyển đổi số di sản

Số hóa hệ thống các tư liệu, hiện vật đã được Bảo tàng tỉnh thực hiện nhiều năm nay. Từ công tác kiểm kê, các tư liệu, hiện vật được nghiên cứu, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học, kèm bản chụp hình ảnh để phục vụ cho công tác lưu trữ, quản lý theo hướng khoa học, đồng bộ hơn. Đồng thời, ứng dụng một số phương pháp sử dụng mã QR Code trong việc quản lý tư liệu của một số phòng trưng bày chuyên đề để người dùng dễ dàng khai thác thông tin theo yêu cầu chỉ với thao tác quét mã.

Các chuyên gia khảo cổ học hỗ trợ số hóa thông tin hiện vật

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tư liệu hóa và số hóa 2.079 hiện vật khảo cổ học; 1.840 phim; 642 cuốn sách chữ Thái cổ, 108 quyển sách Dao cổ; scan, số hóa 2.362 hồ sơ di tích; kiểm kê 100 lý lịch hiện vật lịch sử - văn hóa, 388 lý lịch, hiện vật kháng chống Pháp, chống Mỹ; 580 hiện vật dân tộc học; 3.360 ảnh thuộc các chủ đề. Năm 2023, đơn vị đã tiến hành sưu tầm 486 tư liệu, hiện vật; kiểm kê 602 hiện vật; tư liệu hóa, số hóa 513 hiện vật, 750 phim, scan 74 cuốn sách Thái cổ; xuất bản 500 cuốn sách "Tiền sử vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin thêm: Bảo tàng tỉnh đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông, quảng bá di sản. Đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và logo Bảo tàng Sơn La, thực hiện các chuyên mục giới thiệu về di sản văn hóa, các di tích, danh thắng tiêu biểu, lễ hội truyền thống và hoạt động phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Du khách tham quan gian trưng bày hiện vật tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La

Năm 2019, trang web www.baotangsonla.vn ra mắt đã cập nhật thường xuyên thông tin, tư liệu và giới thiệu các chương trình, hoạt động, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng. Đây là kênh thông tin hữu ích giúp người dùng, nhất là những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Sơn La có thể tìm đọc và tham khảo thông tin. Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt hàng Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”. Cuối năm 2023, đề tài cơ bản hoàn thành và hoạt động thử nghiệm, bước đầu mang đến những trải nghiệm tốt cho bạn đọc, nhất là du khách ngoại tỉnh có thể tham quan một loại hình di sản số của tỉnh.

Không nằm ngoài xu hướng tất yếu của công cuộc chuyển đổi số, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ để số hóa các tư liệu, hiện vật, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Cùng với việc thực hiện các giải pháp tích cực, đổi mới và sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo tàng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Sơn La.

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới