Lễ hội cầu mưa còn gọi là lễ hội Xến Xó Phốn, được gắn với phong tục tập quán, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Thái. Lưu giữ và bảo tồn nghi lễ này, Câu lạc bộ văn hóa Thái, bản Đán, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, đã tổ chức phục dựng, tái hiện với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Quàng Văn Bưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, thông tin: Xã có 2 dân tộc Thái và Kinh cùng sinh sống, trong đó đồng bào Thái chiếm hơn 73% dân số toàn xã. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, xã đã xây dựng 1 nhà bảo tồn dân tộc, thành lập 2 CLB văn hóa Thái, duy trì 8 đội văn nghệ của bản; tổ chức các lớp truyền dạy chữ Thái, thêu khăn, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Đồng thời, duy trì và phục dựng các lễ hội, như Hạn Khuống, Xên Lảu Nó, Xến Xó Phốn. Trong đó, lễ hội Xến Xó Phốn đang có nguy cơ mai một tại địa phương.
Đồng bào dân tộc Thái quan niệm rằng, thần linh cai quản cả mưa gió, vì thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà, nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán. Lo mùa màng thất bát, cái đói đe dọa, dân bản phải làm lễ cầu mưa, cúng lễ các vị chủ nước, chủ sông, suối để mời các thần linh về nghe nguyện vọng của con người. Những lời cầu xin, trách móc được truyền tụng và đúc kết thành các bài cúng và các trò chơi trong lễ hội cầu mưa.
Bà Hoàng Thị Thoát, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Thái bản Đán, xã Chiềng Sàng, cho biết: Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hằng năm, diễn ra trong nửa ngày, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ để cúng thần linh cai quản mưa nắng không mang yếu tố dị đoan mà chỉ mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người; phần hội tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục nhân cách, phẩm hạnh để con người vươn tới cái đẹp của đạo đức truyền thống mà người Thái đã có.
Trong phần lễ, người đóng vai trò chính trong lễ hội là Me mải (người phụ nữ góa chồng). Đoàn người cùng Me mả" rước Tô Ngựa (được làm từ tre, giấy tượng trưng cho linh vật rồng) đi đến các nhà trong bản để xin lễ vật, như: Cơm, rau, măng, hạt giống, rượu, xin nước. Đến khi đã có đủ lễ vật, đoàn người rước linh vật đến địa điểm cúng lễ.
Mâm lễ cúng gồm: Xôi, gà, thịt lợn, măng, trầu, cau, hạt giống, vải trắng, vải đỏ. Me mải bắt đầu cúng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước, chủ sông về thụ hưởng lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu xin trời làm mưa. Tiếp đến, bà con dân bản thả “Tô Ngựa” trôi theo dòng sông với ý nghĩa phóng sinh, cảm ơn thần linh đã ban mưa xuống, rồi hạ mâm cúng cùng nhau ăn, uống tại chỗ. Sau đó, mọi người chia thành 2 tốp nam, nữ lội xuống nước, đứng mặt đối mặt với nhau, thi té nước vào nhau. Khi ai nấy đều đã ướt sũng, họ mới lên bờ. Đoàn người trở về bản, thay quần áo, khăn mới, cùng chơi ném còn, uống rượu cần, đánh trống, chiêng, múa xòe và hát các bài hát về tình yêu đôi lứa.
Em Hoàng Thị Huế, bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng, tâm sự: Em rất vui khi được tham gia lễ hội cầu mưa. Lễ hội giúp em hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc mình. Em mong muốn sẽ được tham gia thêm các lớp dạy hát, dạy chữ Thái để hiểu sâu thêm về cội nguồn, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Lễ hội cầu mưa là một nghi lễ thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng là ngày hội văn hóa cộng đồng góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết trong bản làng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!