Mùa hè đã đến. Học sinh các cấp học đều được nghỉ sau năm học và thi cử căng thẳng. Đây là thời gian trong năm các em được tự do nô đùa, chạy nhảy, tham gia các hoạt động xã hội. Và, đây cũng chính là thời điểm chúng ta cần quản lý chặt chẽ mọi hoạt động cũng như giữ gìn, bảo vệ sức khỏe của các em thật tốt.
Đặt vấn đề, ông trung niên khoát tay:
- Vào mùa hè, nhiệt độ thường tăng khá cao so các mùa khác trong năm, kéo theo các bệnh dịch về đường tiêu hóa hoặc hô hấp, như cảm cúm, sốt, viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ, thương hàn, sốt rét, các bệnh về tim phổi.v.v. Đây cũng là thời điểm nhà trường, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động ngoài trời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt xã hội của các em như dã ngoại, píc-níc, du lịch, thám hiểm, thể thao, “học kỳ quân đội”, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình nghèo, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại..., đòi hỏi các em phải vận động với cường độ cao khác hẳn ngày thường, thế nên, các anh chị phụ trách Đoàn, Đội, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm bảo vệ, gìn giữ sức khỏe của các em, tránh phải đối diện với những hệ lụy không đáng có.
Tỏ ra thành thục chuyện ăn uống, bác da ngăm ngăm bàn góp:
- Cũng bởi nắng, nóng, các cháu lại thường hiếu động, việc ăn uống cũng không thể xem thường, cần tuân theo các quy tắc an toàn thực phẩm: “Ăn chín, uống sôi”, rửa sạch, lưu trữ thích hợp, tránh nhiễm chéo, bảo đảm vệ sinh khi pha chế, chế biến thực phẩm. Chú ý cho các cháu uống đủ nước, ăn đủ chất, nhất là các vitamin có nhiều trong các loại rau, củ, quả tươi; không sử dụng thực phẩm bày bán bên lề đường, nơi có đông người qua lại hoặc các loại thức ăn không được che đậy cẩn thận, nhằm tránh bị ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy, mất nước, sốt nóng, choáng ngất, nôn mửa, đau bụng, tiêu ra máu...
Chia sẻ suy nghĩ, anh chàng nhỏ thó cảnh báo:
- Trẻ em luôn ham thích vận động, khám phá, điều đó rất cần khuyến khích. Khi chơi các môn thể thao, tham gia các hoạt động, cơ thể con trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước, không khí, bụi bẩn, môi trường, hóa chất..., do vậy người lớn và những người có trách nhiệm cần hướng dẫn các em cách bảo vệ các bộ phận trên cơ thể, tránh bị dị ứng, tự gây chấn thương, mắc các chứng viêm da, tai, mũi, họng. Nhắc nhở các cháu không hoạt động quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, nhất là khoảng thời gian từ 11 đến 15 giờ, vì thời điểm này, cường độ các tia UVA và UVB mạnh, rất nguy hiểm cho cơ thể non nớt của các cháu.
Dù đã hài lòng, ông trung niên vẫn nhấn thêm:
- Nói thì dễ, nhưng thực hiện lại rất khác đấy! Phải chú ý cẩn thận từng khâu. Nếu tổ chức cho các cháu đi dã ngoại, tham quan, du lịch, ngoại khóa... cần chọn những điểm đến phù hợp, đi lại thuận tiện, có đầy đủ dịch vụ y tế, cứu nạn, cứu hộ; tránh đi dài ngày, hạn chế bơi lội trên sông hồ rộng, tìm kiếm, thám hiểm hang động hiểm trở hoặc tới những địa điểm phải leo trèo quá cao, quá sâu. Giữ gìn sức khỏe các cháu thật tốt trong dịp hè cũng là thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhà trường, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các bậc phụ huynh, phải không các chú?
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!