Tiếng khèn Mông Suối Tọ

Đối với đồng bào Mông ở Suối Tọ (Phù Yên) tiếng khèn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, bởi nó không chỉ là cầu nối giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh, mà còn là lời tâm tình của chàng trai gửi đến cô gái mình thương, là khúc nhạc vui trong ngày hội hay những giây phút nghỉ ngơi sau một ngày lên nương tra ngô, trồng lúa...

 

 

Ông Sồng A Lồng, bản Lũng Khoai, xã Suối Tọ (Phù Yên) kiểm tra chiếc khèn vừa chế tác.

 

Ông Sồng A Lồng, ở bản Lũng Khoai là người vừa biết thổi, lại vừa biết chế tác ra cây khèn ở Suối Tọ. Khi được hỏi về quá trình làm nên cây khèn, ông Lồng say sưa nói: Để làm ra chiếc khèn mất từ 5-7 ngày, với nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải tìm loại gỗ pơ mu thật tốt để làm thân khèn. Sau đó tìm 1 thanh ống nứa, 5 ống còn lại là thân cây sặt vót độ dài ngắn khác nhau. Nứa làm ống phải phơi đủ độ khô, không ẩm nhưng cũng không quá khô thì khèn mới kêu vang. Quan trọng nhất là khâu khoét lỗ để cho “lưỡi gà” và xếp ống nứa lên thân Khèn, sau đó kết lại bằng dây rừng thật chặt. Không phải ai cũng có thể chế tác được một chiếc khèn đạt đủ độ tinh xảo và yêu cầu khắt khe về âm vực. Bởi âm thanh trầm, bổng, vang ngân của cây khèn phụ thuộc vào trình độ chỉnh miếng “lưỡi gà”, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Thế nên nhiều người nói, việc chế tác khèn Mông không chỉ cần sự khéo léo mà bản thân người tạo ra cây khèn phải đặt cả tâm hồn mình vào các công đoạn làm khèn thì âm thanh mới đạt chuẩn.

 

Được biết, từ xa xưa, đồng bào Mông quan niệm, con trai không biết thổi khèn, khó lấy vợ, con gái không biết thêu thùa, dễ ế chồng, bởi vậy, họ sinh ra đã nghe tiếng khèn, lớn lên trong âm thanh quen thuộc và thấm vào tâm thức. Chẳng thế mà khi xuống chợ, lên nương, cây khèn luôn là bạn đồng hành của họ, âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt, lúc dồn dập, giúp họ xua tan mỏi mệt khi đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt nơi núi cao. Với bà con dân tộc Mông, khèn là nhạc cụ giúp kết nối giữa cõi trần gian và thế giới tâm linh. Trong tang ma, người Mông hay đánh trống, thổi khèn, thể hiện sự xót thương đối với người đã khuất, cây khèn thường được thắt thêm một dải lụa đỏ để người đã khuất biết đường, biết lối về với tiên tổ, họ hàng. Khèn vừa là nhạc cụ mang ý nghĩa tâm linh, vừa là đạo cụ để biểu diễn trong các điệu nhảy hay bài múa của các chàng trai, cô gái người Mông. Trong những dịp lễ, tết, trên những bãi đất trống, đàn ông vừa thổi khèn vừa múa khèn, với những động tác nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng.. vừa khỏe khoắn vừa dẻo dai. Trong cuộc sống thường ngày, những người bố, người ông lại dùng tiếng khèn để dỗ cháu, ru con vào giấc ngủ...

 

Ngày nay, hầu như ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ các chức năng giải trí, lớp trẻ dần quên đi những giá trị truyền thống. Số ít thanh niên chỉ biết thổi vài khúc nhạc đơn giản trong những ngày hội, số người biết thổi khèn một cách bài bản, đúng làn điệu tại Suối Tọ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hầu hết đều là những người đã lớn tuổi... Ông Thào A Trư, Bí thư đảng ủy xã Suối Tọ, trăn trở: Để khèn Mông được bảo tồn và mãi là một phần trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn vận động bà con gìn giữ nghề làm khèn, tạo điều kiện tham gia trưng bày sản phẩm khèn tại những sự kiện văn hóa của huyện tổ chức. Đồng thời, khuyến khích tổ chức các hoạt động du xuân, vui hội để những người biết thổi khèn có dịp giao lưu, truyền dạy cho thế hệ trẻ, qua đó khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình...

 

Rời Suối Tọ trong tiết trời chiều, đâu đó giữa mênh mông đại ngàn, vẫn vang vọng tiếng khèn da diết như lời tự tình đắm say, níu chân người ở lại. Cần lắm những người như ông Lồng để chiếc khèn và những điệu múa khèn vẫn sẽ được lưu giữ, truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác như một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người dân tộc Mông nơi vùng cao Suối Tọ.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới