Việc thu phí tác quyền âm nhạc nơi công cộng đang được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc – Hội nhạc sỹ Việt Nam (VCPMC) đề nghị các cơ sở kinh doanh thực hiện. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề này.
Việc sử dụng âm nhạc phục vụ khách hàng là điều thường thấy
tại những quán cà phê, nhà hàng.
Thực tế, việc thu phí tác quyền âm nhạc đã được VCPMC bắt đầu thực hiện từ năm 2002. Đến nay, Trung tâm đã tiến hành thu tiền phí (nhuận bút) tại hàng ngàn quán cà phê, nhà hàng, cơ sở kinh doanh (có sử dụng âm nhạc trong việc kinh doanh) trên cả nước. Tuy nhiên, việc thu phí tác quyền âm nhạc tại các khách sạn, quán cà phê... đang nhận được rất nhiều ý kiến từ những cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ này.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một quán cà phê tại khu vực phố Bà Triệu (Hà Nội) nêu thắc mắc: “Quán cà phê của tôi không sử dụng nhạc “sống” hay ca sỹ biểu diễn các bài hát nhạc Việt để phục vụ cho khách hàng, như vậy việc bắt tôi đóng phí tác quyền là điều không hợp lý. Giả sử như tôi tổ chức biểu diễn ca nhạc để phục vụ khách hàng, tôi cũng sẽ tự có trách nhiệm phải đi xin cấp phép biểu diễn và xin phép nhạc sỹ sáng tác các bài hát có trong chương trình biểu diễn cho phép được sử dụng. Có chăng, một số bài hát nhạc nền trên truyền hình hoặc đĩa CD (bản gốc) được sử dụng tại quán để phục vụ khách hàng thì tôi cũng đều đã phải mất chi phí cho việc đó, ví dụ như đóng tiền truyền hình, tiền mua đĩa CD để sử dụng. Như vậy tại sao đơn vị thu tiền tác quyền không làm việc với đài truyền hình, hoặc đơn vị phát hành đĩa CD để thu phí tác quyền mà lại tìm tới người sử dụng, là đối tượng đã phải mất tiền cho các dịch vụ đó?!”
Để thực hiện công việc này, VCPMC đã đưa ra một bảng giá cho các mức thu phí, tùy thuộc theo từng tỉnh, thành phố khác nhau. Cụ thể, VCPMC quy định về mức phí sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1/10/2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm được tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống (hát với nhau) sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm. Ngoài ra, mức phí trên cũng được điều chỉnh trong vài trường hợp, ví dụ như nhà hàng tổ chức tiệc cưới thì áp dụng 65% mức phí trên, hoặc thành phố loại 1 sẽ áp dụng bằng 80% mức phí về sử dụng tác phẩm âm nhạc.
Cũng tại một quán cà phê khác trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội), chị Lâm Thị Ánh Tuyết, chủ quán tại đây chia sẻ: “Việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với một tác phẩm cụ thể nào đó là điều tôi tán thành. Bài hát được coi như sản phẩm trí tuệ của người sáng tác. Tuy nhiên, việc này cần làm rõ ràng và minh bạch. Tôi nộp phí tác quyền cho VCPMC là nộp chi phí cho bài hát nào, của nhạc sỹ nào? Nếu những bài hát tôi sử dụng trong quán không thuộc bài hát được các nhạc sỹ đã ủy quyền cho Trung tâm thu phí thì tại sao tôi lại phải mất tiền cho việc này, trong khi những nhạc sỹ sáng tác bài hát lại không được hưởng thành quả sáng tác của họ? Cần phải có một căn cứ pháp lý rõ ràng về quyền được thu phí của VCPMC như là văn bản ủy quyền, hoặc danh sách những tác phẩm cụ thể, của những nhạc sỹ cụ thể đối với việc thu phí này, như vậy việc thu phí này mới không bất hợp lý."
Không chỉ có ý kiến của những người phải đóng khoản tiền tác quyền này, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì sở dĩ việc trả tiền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này vấp phải phản ứng của người dân phần nào là bởi cách thức thực hiện. Một số chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ cho rằng, việc thu phí tác quyền âm nhạc, nếu muốn người dân đồng thuận, thì việc đầu tiên là phải xây dựng một lộ trình phù hợp, qua đó từng bước tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và chấp nhận việc này như một quan hệ dân sự trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một cơ chế công khai, rõ ràng về biểu phí, mức thu, đối tượng thực hiện.
Trước đó, ngày 26/5, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với VCPMC về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng; sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Cục Bản quyền tác giả cho rằng, việc thu phí của VCPMC là đúng với luật lệ Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, VCPMC cần nghiên cứu lộ trình thu phí mới chặt chẽ, phù hợp hơn và thường xuyên báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các hoạt động này.
Trên thực tế, việc thu phí tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo quy định của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời Quốc tế (CISAC) thì những tác phẩm âm nhạc được sử dụng tại những nơi như khách sạn, nhà hàng, quán bar, sảnh chờ, thang máy, nhà ga và một số không gian mở khác thông qua dịch vụ phát thanh, truyền hình được coi là một trong những hoạt động biểu diễn công cộng. Việc thu phí tại những nơi này hiện đang áp dụng tại nhiều nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Australia… với số tiền lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để việc thực hiện đạt được những kết quả tốt, phù hợp với lợi ích của các bên liên quan, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cần lắng nghe ý kiến từ phía các chuyên gia và đặc biệt là ý kiến từ phía người sử dụng; qua đó, kết hợp với các cơ quan chức năng xây dựng một lộ trình phù hợp, như vậy việc thu phí tác quyền âm nhạc nơi công cộng mới có thể thực hiện và đi vào cuộc sống./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!