Thơ - nét văn hóa, cốt cách dân tộc

Đã nhiều năm nay, cứ ngày rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức để công chúng được thưởng thức và tham gia những hoạt động tọa đàm về sáng tác, đối thoại, giao lưu thơ ca đương đại... nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng chữ, yêu văn chương - nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

 

 

 

Gương mặt sáng bừng, ông trung niên hoạt ngôn:

- Văn chương từ bao đời đã thực sự là một món ăn tinh thần, thể hiện sự thanh cao, tinh túy và cốt cách dân tộc Việt Nam ta. Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, văn chương luôn đảm trách một trong những vị trí quan trọng, trở thành hồn cốt dân tộc, mang hơi thở cuộc sống, góp phần đánh giặc giữ nước, dựng xây nền văn hiến. Người Việt ta từ thuở khai sơn lập địa đã luôn thực hành văn chương, nghệ thuật trong đời sống thường nhật, thể hiện tinh thần trọng chữ, trọng tình, trọng văn..., duy trì nét văn hóa đẹp, như xin chữ, xin câu đối đầu năm, lấy chữ để thể hiện cái tâm, tôn trọng cốt cách của cả người cho chữ và người xin chữ.

Khác hẳn thường ngày, bác da ngăm ngăm nói như chiêm nghiệm:

- Dù hoàn cảnh nào, trước những biến cố của thời đại, món quà đầu xuân của dân tộc Việt vẫn tiếp nối tinh thần yêu văn chương, thấm đẫm tinh thần yêu nước, thương nòi trong từng con chữ, vần thơ, áng văn. Vị trí của văn chương trước sự tiếp xúc với đa dạng các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác, với nhiều kênh truyền thông, thông tin hiện đại... vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và sự thanh cao, thông qua một cuốn sách tốt, một tác phẩm văn chương đẹp, một áng thơ nhuần nhị... Văn chương thực sự là sản phẩm cao quý của tâm hồn, ở đó văn thơ phản ánh, chia sẻ vẻ đẹp của con người, cuộc sống thường nhật và khát vọng vươn lên trong cuộc đời, làm cho tâm hồn con người ngày càng phong phú hơn, tinh thần yêu nước được nâng lên tầm cao mới, không chỉ bảo vệ Tổ quốc mà còn là xây dựng Tổ quốc ngày một phồn vinh, hạnh phúc, đủ đầy.

Thán phục các đàn anh, giọng anh chàng nhỏ thó nhẹ nhàng:

- Trải qua hàng nghìn năm, những lễ hội thơ của dân tộc vẫn luôn được duy trì, vừa là một cách kết nối cộng đồng, vừa làm sinh động các mối quan hệ trong xã hội, gửi gắm tâm tư, tình cảm, tin tưởng cuộc sống tương lai luôn đủ đầy, ấm no, sung túc. Theo em, thơ ca mặc nhiên là thành quả của quá trình trải nghiệm lịch sử và truyền thống gắn chặt với đời sống tinh thần, tâm linh, là sản phẩm phi vật thể vô giá của dân tộc với những nét đặc sắc riêng có, phát huy và sáng tạo nên bao kiểu cách, loại hình văn học và sinh hoạt diễn xướng dân gian độc đáo, riêng biệt: Thơ phú, hò vè, hát ru, giao duyên... và hiện diện của thơ ca bao giờ cũng nắm giữ vai trò nòng cốt.

Vẫn vẻ đạo mạo vốn có, ông trung niên nhấn mạnh thêm:

- Ngày nay, đời sống thơ ca của dân tộc càng có cơ hội phát triển, giao lưu, hội nhập mạnh mẽ, thông qua nhiều dạng thức hấp dẫn và sinh động, gắn kết hài hòa giữa truyền thống và cách tân, giữa cổ điển và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại. Ngày thơ thực sự trở thành ngày hội của sáng tạo, nâng cao, thưởng thức, giao lưu, hội nhập. Ngày thơ làm cho mọi miền, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao được sống trong không khí văn chương sôi động, ý nghĩa, thông qua những hoạt động giao lưu thơ, sinh hoạt thư pháp, câu lạc bộ thơ, kịch... mang đến sức sống và ý nghĩa mới, kích thích tiềm năng sáng tạo, liên kết mối giao hoà, giao cảm các thế hệ, phong cách thơ ca, kết nối tác giả, tác phẩm thơ với công chúng. Thể hiện rõ nét, sâu đậm, thơ ca luôn tôn vinh con người và cuộc sống, để rồi cuộc sống và con người lại tôn vinh, ứng xử văn hoá đối với thơ ca. Ngày thơ không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong kho tàng văn hóa dân tộc, mà còn giới thiệu thơ ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy nhân cách, tâm hồn người Việt Nam chúng ta.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới