Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, kể từ năm 1960 đến nay, cứ dịp đầu năm mới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương lại hăng hái hưởng ứng phong trào trồng cây, gây rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng do Người phát động.
Khuôn mặt sáng rỡ, ông trung niên khoát tay:
- Để “Tết trồng cây” dịp xuân Canh Tý 2020 đạt được kết quả như mong muốn, cần được chuẩn bị thật tốt các khâu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn từng địa phương. Theo đó, phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thật tốt Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2015-2020 theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại và Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; trồng nhiều chủng loại rừng: Rừng tập trung, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất...
Nắm ngay được vấn đề, bác da ngăm ngăm khúc chiết:
- Ngoài diện tích rừng hiện còn, rừng đặc dụng, khu bảo tồn đa dạng sinh học..., hằng năm, tỉnh ta tổ chức trồng mới hàng ngàn héc-ta rừng các loại, tăng thêm diện tích rừng trồng tập trung, các loại cây phân tán, cây xanh đô thị, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng nhanh chóng với biến đổi khí hậu... Dù vậy, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: Kết quả trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng chưa đạt mục tiêu mong muốn; tỷ lệ che phủ rừng còn tăng chậm; thu nhập của người lao động từ nghề rừng còn thấp...
Nhấp nhổm không yên, anh chàng nhỏ thó bàn góp:
- Theo em, “Tết trồng cây” phải tổ chức thiết thực, không phô trương hình thức, bố trí thời gian, lực lượng, vật chất cũng như đủ cây giống các loại để mọi cơ quan, tổ chức đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đồng loạt tham gia trồng cây, trồng rừng, trồng đến đâu cây sống đến đó, tránh xảy ra tình trạng hết mùa trồng cây là “mười cây chết chín, một cây gật gù”. Chú ý chọn lựa các giống cây trồng bản địa hoặc nhập nội phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu từng địa phương; trồng cây thành nhiều lớp, nhiều tầng, tạo điểm nhấn tại những khu vực quan trọng hoặc từng khu vực cụ thể; trồng thêm cây xanh tại các địa phương, dọc các tuyến giao thông, nơi công cộng, cơ quan, trường học, bệnh viện, vườn hoa, công viên... Cùng với đó, cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật, bảo đảm tiêu chí “đồng đều, đa dạng, đồng bộ”.
Không thể hài lòng hơn, ông trung niên phấn khởi:
- Các chú nói đúng! Các địa phương, đơn vị, LLVT... chú ý đăng ký tổ chức trồng cây gây rừng bằng các loại cây bản địa như lát, dổi, tếch, ban, pơ-mu, sa-mu...; đối với rừng tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây đa mục đích để nâng cao giá trị của rừng, phù hợp quy hoạch phát triển. Trồng rừng, trồng cây xanh đúng quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững, tránh tình trạng sau một vài năm trồng cây lại phải chặt bỏ do không phù hợp, gây lãng phí đầu tư, nhân lực... Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng, chuẩn bị đủ số lượng cây giống chất lượng tốt, đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn; lựa chọn loại cây, vị trí trồng và tham khảo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc của đơn vị chuyên môn; phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Coi trọng công tác kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả trồng cây, trồng rừng; biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt... Tôi và các chú cùng thi đua trồng nhiều cây xanh đầu xuân Canh Tý 2020 nhé!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!