Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Thi đua yêu nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Bàn về công tác thi đua, ông trung niên đĩnh đạc:
- Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, thi đua yêu nước luôn hết sức cần thiết, bởi những tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trên thực tế, các phong trào thi đua luôn được đặt ra nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cũng bởi vậy, phải luôn đổi mới cả hình thức và nội dung các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, khuyến khích mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy sáng tạo, áp dụng sáng kiến, kinh nghiệm hay, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, thiết thực cải cách hành chính trong lĩnh vực của mình.
Rất thực tế, bác da ngăm ngăm nói:
- Em đồng ý với bác! Thi đua phải thiết thực và gắn với công việc hằng ngày của mỗi người; không chỉ trong một thời kỳ, một giai đoạn mà phải thường xuyên, liên tục, phù hợp hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp thì thi đua chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng, chất lượng cao; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên cùng một đơn vị diện tích; xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững; triển khai và thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.v.v. cũng không nên đặt ra những mục tiêu quá lớn, quá kỳ vĩ, mà hãy từ những công việc chuyên môn, nghiệp vụ hằng ngày miễn là mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng và từng cá nhân. Tuyệt đối không “đầu voi, đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”...
Sau một lát trầm ngâm, anh chàng nhỏ thó tham gia:
- Một vấn đề hệ trọng không kém là thi đua phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức đoàn thể, các cấp, các ngành mới đạt hiệu quả mong muốn. Càng vận động được sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì thi đua càng có chiều sâu, bề rộng, lại hấp dẫn và có sức lan tỏa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một số nơi thi đua còn hình thức, đơn điệu; chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; lúng túng trong bố trí nội dung, đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức; thiếu kiểm tra, đôn đốc...
Gõ ngón tay trên mặt bàn, ông trung niên chậm rãi:
- Một điều hết sức quan trọng là thi đua phải gắn với công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực hoạt động; cải cách hành chính một cách thiết thực, phù hợp từng loại hình công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp khoa học trong quản lý, điều hành. Thêm nữa, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, công khai, đặc biệt quan tâm đến cơ sở, vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đồng bộ các khâu phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, đúc rút những bài học kinh nghiệm. Từng cơ sở xác định rõ nội dung chủ yếu của phong trào thi đua, càng thiết thực, càng sát thực tế thì chất lượng càng đạt cao, bảo đảm phát huy được sức mạnh đoàn kết, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!