Phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong gia đình

Ngày gia đình Việt Nam (28/6) năm nay mang chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, đề cao ý nghĩa văn hóa ứng xử, cùng nhau chia sẻ, yêu thương, chung sức xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Dáng điệu trịnh trọng, ông trung niên chậm rãi:

- Trong giai đoạn hiện nay, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc luôn có những định hướng rõ nét, cụ thể, thiết thực và phù hợp xu thế phát triển. Tất nhiên, những nội dung trọng tâm của công tác gia đình luôn hết sức đa dạng, lồng ghép nhiều hoạt động, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức và cộng đồng có những hoạt động thiết thực mang lại hạnh phúc đích thực cho bản thân, người thân, gia đình, cộng đồng; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình...

Bắt kịp ý chủ tọa, bác da ngăm ngăm say sưa:

- Cổ súy và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình phải thường xuyên, liên tục, chứ không chỉ trong Ngày gia đình hay Tháng hành động vì gia đình. Theo em, dịp này rất nên bố trí thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình, cộng đồng khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, triển lãm tranh ảnh, chiếu phim và các hoạt động mang chủ đề hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng; thậm chí tổ chức cưới tập thể văn minh, tiết kiệm với tinh thần yêu thương và chia sẻ cho các cặp đôi...; rồi vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có những hoạt động hạnh phúc gia đình. 

Hớn hở ra mặt, anh chàng nhỏ thó “nổ” luôn:

- Ngày gia đình Việt Nam thực sự là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là cơ hội để mọi người quan tâm đến nhau, khắc sâu thêm giá trị truyền thống, bền vững, thiêng liêng của mái ấm gia đình. Đặc biệt, thể hiện quyết tâm của mọi cấp, mọi ngành và mọi người trong phòng chống bạo lực gia đình; ưu tiên các nguồn lực triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao năng lực, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ phổ biến luật pháp, chính sách phòng chống bạo lực gia đình lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư... 

Sau một hồi trầm ngâm, ông trung niên nhấn từng lời:

- Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam vẫn duy trì và phát huy những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, mang bản sắc văn hóa dân tộc riêng có. Cấu trúc và quan hệ gia đình truyền thống có thể có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản vẫn tồn tại mãi mãi và là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, vấn nạn bạo hành, xâm hại, một bộ phận có lối sống ích kỷ... đâu đó vẫn xảy ra, thế nên trong dịp Ngày gia đình cần lồng ghép các hoạt động ý nghĩa, như: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Ngày hội gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu”, “Gia đình tài năng”... Hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình; hỗ trợ vật chất, lắng nghe, hỏi thăm công việc, sức khỏe, đời sống mọi mặt của các thành viên; lên tiếng bảo vệ những gia đình đang gặp khó khăn, bị bạo hành, xâm hại. Hãy hành động để xã hội tốt đẹp hơn, tử tế hơn, đáng sống hơn. Các chú thấy sao ?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới