Nhân 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam, chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng lại được các bác ngõ nhà tôi bàn luận, bởi đây là trách nhiệm, tình cảm, nghĩa tình sâu sắc của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Thống kê những con số, ông trung niên dõng dạc:
- Trải qua mấy cuộc kháng chiến trường kỳ, tỉnh ta đã đóng góp hàng chục ngàn người, hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường, bao người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Toàn tỉnh hiện đang quản lý 35.522 người có công với cách mạng, gồm: 52 cán bộ lão thành cách mạng, 101 cán bộ tiền khởi nghĩa, 3.978 liệt sỹ, 115 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến, 2.984 thương binh, hưởng chính sách như thương binh, 655 bệnh binh, 633 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 28 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày, 26.960 người tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Tiếp lời chủ tọa, bác da ngăm ngăm đầy cảm xúc:
- Hiện giờ, hằng tháng chúng ta thực hiện chi trả trên 7 tỷ đồng trợ cấp cho 3.425 người có công và thân nhân, đủ thấy các đối tượng người có công với cách mạng, đặc biệt là thương binh, gia đình liệt sĩ luôn được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm đầy đủ, kịp thời và chu đáo. Không chỉ vậy, các dịp lễ, tết, kỷ niệm, từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức dâng hương hoa, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm hỏi, động viên, tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công; chú trọng công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương binh, bệnh binh và các đối tượng chính sách, người có công...
Gật gù tán đồng, anh chàng nhỏ thó cất lời:
- Kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc, ngoài nguồn lực của Nhà nước, công tác xã hội hóa chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng được đẩy mạnh, trở thành phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, nhằm ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đặc biệt, quan tâm giải quyết công ăn việc làm cho con em các đối tượng, để ai cũng có đời sống tốt hơn về mọi mặt, để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Suy nghĩ thêm một hồi, ông trung niên nói tiếp:
- Thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội tiếp tục quan tâm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng; phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, giám định thương tật, thẩm định và cấp sổ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho thương binh; bảo đảm chế độ, chính sách, nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh; cung cấp thông tin về các liệt sĩ, xác minh danh tính; nghiên cứu chế độ, chính sách đối với những đối tượng làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; vận động các nguồn đóng góp gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách; tạo việc làm cho con em thương binh, liệt sĩ; triển khai các hoạt động đối ngoại, chia sẻ, cung cấp thông tin quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh, hợp tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào, Campuchia. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thẩm định, xét duyệt hưởng chế độ, chính sách, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!