Qua những lần đi thực tế cùng các anh, các chị ở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Sơn La, tôi cảm nhận rõ hơn cuộc đời này có những người luôn đem niềm vui đến cho người khác mà không nghĩ mình đã làm được điều ấy. Tôi viết những dòng này để cảm ơn họ đã truyền sang tôi yêu cuộc sống hơn.
Lâu rồi Đồn Biên phòng Mường Lèo mới lại có một đêm văn nghệ vui nhộn đến thế. Ngay từ khi trời còn sớm nghe tin có đoàn văn nghệ sỹ từ Sơn La vào, không khí cả vùng náo nức hẳn lên. Bà con bản Liềm, xã Púng Bánh có mặt sớm nhất, đông nhất. Cái sân đồn biên phòng rộng thế mà kín người. Trẻ con ngồi trong, người lớn đứng ngoài, tiếng gọi nhau í ới.
Điện bật sáng. Đã đến giờ biểu diễn. Đến lúc này, cả chủ và khách mới “ngớ” ra không có người dẫn chương trình (MC). “Nước đến đầu gối mới nhảy”, thiếu tá Sa Trọng Thời, Chính trị viên Đồn Biên phòng tự nhận làm MC đêm văn nghệ. Anh Thời người đậm, tướng con nhà binh, nhưng làm MC rất hay. Chỉ qua mấy động tác, lời nói của MC, người nghe đã háo hức chờ được xem tiết mục đầu tiên.
Tiết mục mở màn độc tấu sáo Mông “Người Mèo ơn Đảng” do nghệ sỹ Hoàng Ngọc Chung trình bầy. Ông Chung người nhỏ, mặc bộ đồ Mông, tóc để dài, nhìn y hệt một ông già người Mông. Giai điệu của bài này quen thuộc nhưng đêm nay nghe “đằm” hơn, “lặng” hơn. Không còn biết mình đang ở đâu, chân có chạm đất hay đang bung biêng nơi vách núi, người nghệ sỹ “hóa” thành tiếng sáo “mê” trong tiếng sáo. Dứt tiếng sáo là những tràng vỗ tay, những nụ cười mãn nguyện.
Nhà thơ Phạm Chương Quốc bước ra sân khấu với bài thơ cầm trên tay còn tươi màu mực. Cả ngày hôm nay, kể cả lúc ngồi uống nước cách đây ít phút, ông vẫn cúi gằm xuống trang giấy để hoàn chỉnh bài thơ. Nhiều năm ở Sơn La, nhà thơ đã biết cái tên Mường Lèo từ ngày còn bom đạn, đêm nay đứng giữa Mường Lèo, ông cảm động. Bằng giọng trầm ấm, ông trình bày bài thơ “Mường Lèo trong tôi”. Tôi để ý, lính biên phòng rất thích bài thơ này vì qua bài thơ Mường Lèo đẹp hơn và đáng yêu hơn họ tưởng.
Minh “béo” là cái tên tôi vẫn gọi vui Ngọc Minh - biên tập viên Tạp chí Suối Reo có nước da trắng như con gái. Chưa bao giờ tôi được nghe Minh hát. Vậy mà đêm nay anh bước ra sân khấu với bài hát “Phố núi tình yêu” đã để nhớ trong tôi.
Ca sĩ, nhiếp ảnh gia Ngô Quang Đức sáo bầu bài “Tình ca Tây Bắc”. Ông Đức khoác áo thổ cẩm, rồi râu, tóc, nụ cười chỉ cần nhìn là người ta có cảm tình rồi. Giai điệu bài hát đưa người nghe nhớ về những kỷ niệm hào hùng, những tên đất, tên người rất đẹp trên quê hương mình.
Song ca bài “Lời của gió”, Kiều Trang và Anh Minh trình bày rất “chuyên nghiệp”. Bài thơ “ Bức thư người lính biên phòng gửi con” sáng tác của Trần Nguyên Mỹ, do nghệ sỹ Trần Đức thể hiện. Các tiết mục đơn ca, song ca, đọc thơ nối tiếp như không bao giờ hết. Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường tay cầm bản thảo bài hát mới sáng tác tự tin bước ra sân khấu. Bài hát đến đoạn cao trào thì trời mưa. Mọi người chạy vào nhà. Cường vẫn đứng giữa trời, hát hết mình như trước cả đám đông. Kết thúc bài hát, Cường cúi chào rồi lấy tay vuốt nước mưa trên mặt.
Rong ruổi trên những nẻo đường biên giới, mệt mà vui. Sáng ở Nậm Lạnh chiều đến Mường Và, Mường Lạn. Hôm sau ra Chiềng Khương. Lần nào đến Chiềng Khương, tôi cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của sông, núi, làng bản nơi đây. Đứng ở Đồn Biên phòng Chiềng Khương, nghe rõ tiếng gà gáy từ bản Đán bên nước bạn Lào vọng sang. Con mương thủy lợi dẫn nước từ Việt Nam sang tưới cho đồng ruộng người Lào. Cánh đồng lúa chín vàng. Nơi đây, chưa xa đã nhớ.
Nhớ nhất là buổi chiều vào bản Bó Lạ, xã Chiềng Cang. Người Sông Mã gọi Chiềng Cang là “Chiềng giữa” thị trấn Sông Mã và Chiềng Khương. Từ quốc lộ 4G vào bản Bó Lạ khoảng 5 km. Đường rải bê tông mới được một nửa nên ô tô không vào được. Người trong bản ra báo đoạn ngoài đi bộ, đoạn sau có công nông đón. Tôi nhìn đồng hồ 14 giờ kém 10 phút. Đúng lúc nắng nóng nhất trong ngày. Không ai bàn lùi, đeo đồ đạc lên đường. Vào đến Bó Lạ thì trời đã ngả chiều. Rất đông người trong bản vẫy tay chào đón. Bắt tay. Cười. Thăm hỏi. Hết mệt. Đêm văn nghệ Bó Lạ hay trong các tiết mục biểu diễn và đậm tình người. Điệu xòe Thái tiễn đưa mà những cái nắm tay không nỡ rời nhau. Người Sơn La mình là thế. Khách đến nhà không còn là khách nữa mà được đón tiếp như những người thân lâu ngày gặp lại: “Đi ăn cơm. Về ăn cá. Đến nhà thì nằm đệm, đắp chăn”.
Trong cái nôi văn hóa ấy đã sinh ra những người sống đẹp quanh tôi, họ vẫn sống vô tư, sống cho mình và cho mọi người là chất keo kết dính con người gần gũi nhau hơn mà ta vẫn gọi là TÌNH NGƯỜI.
Tình người ai bán mà mua
Tình người của mỗi người cho mỗi người.
Nguyễn Văn Lụa (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!