Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Phiêng Côn

Vào những tháng mùa mưa này, để đến xã Phiêng Côn (Bắc Yên), thay vì đi theo đường từ xã Sặp Vạt (Yên Châu), chúng tôi phải mang theo xe máy lên thuyền rồi xuất phát từ bến phà Tạ Khoa, xuôi theo Sông Đà mất gần 3 tiếng đồng hồ, rồi tiếp tục từ Chiềng Sại vượt hơn 10km đường đất, đá, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Phiêng Côn - nơi có những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao.

Phụ nữ dân tộc Dao, xã Phiêng Côn (Bắc Yên) giữ nghề dệt vải truyền thống. 

Đặt chân vào đất Phiêng Côn, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những người phụ nữ dân tộc Dao với trang phục quần đen, áo dài xẻ tà màu đen cùng những nét hoa văn tinh xảo thêu bằng chỉ đỏ, trắng, trong đó nổi bật là chiếc áo yếm đỏ sặc sỡ...

Tiếp chúng tôi, ông Đặng Văn An, Chủ tịch UBND xã, niềm nở: Toàn xã có 6 bản, 434 hộ và gần 2.700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Dao chiếm 40%, sống tập trung ở những vùng thung lũng, chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Do sống xen kẽ với một số dân tộc ít người khác, cùng với sự phát triển của xã hội nên ít nhiều đã tạo ra những nét giao thoa văn hóa, song những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao nơi đây, như: Lễ lập tịch, cấp sắc và nét văn hóa trong hiếu, hỷ vẫn được lưu giữ và duy trì. Trong đó, trang phục của người Dao Phiêng Côn mang màu chủ đạo là màu đen, với đàn ông mặc áo dài xẻ tà vắt sổ chéo, quần dài; trang phục của phụ nữ nổi bật với áo yếm đỏ, áo dài được thêu trang trí bằng chỉ đỏ, trắng là những hình ảnh quen thuộc ngoài đời sống như hình ảnh các loài vật, cỏ cây, hoa, lá... khăn quấn đầu của phụ nữ được trang trí bằng màu đỏ, trắng.

Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Cang (Sông Mã), sau khi tốt nghiệp đại học lâm nghiệp theo dự án 600 tri thức trẻ đến công tác và làm việc tại xã Phiêng Côn, anh Quàng Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Sau gần 5 năm sinh sống và công tác, tôi cũng đã hiểu và khám phá thêm được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao trong việc cưới hỏi. So với các nét văn hóa của người dân tộc Thái thì văn hóa dân tộc Dao có nhiều nét khác biệt. Thời gian đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc hòa đồng vì tiếng nói, phong tục tập quán nơi đây khác với nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, qua gắn bó, tìm hiểu, thêm yêu con người cũng như văn hóa của đồng bào Dao nơi đây. Nổi bật trong tục cưới hỏi của người dân tộc Dao Phiêng Côn mang những nét văn hóa độc đáo. Theo thông lệ, cưới hỏi thường kéo dài trong 3 ngày, bố mối và mẹ mối là những người được gia đình nhà gái và nhà trai chọn lựa để đến thực hiện các thủ tục trong cưới hỏi. Trong quan niệm cưới hỏi của người Dao, bố mối phải là những người có uy tín trong bản, mẹ mối đòi hỏi phải là những người giỏi hát then. Do vậy, đồng bào dân tộc Dao cho rằng người con trai sau khi đi lấy vợ phải ở rể nhà vợ, thời gian ở rể do tùy thuộc vào giao ước giữa hai gia đình. Sau khi hết thời gian ở rể, hai vợ chồng về ở gia đình nhà chồng, thời gian ở đây cũng bằng với khoảng thời gian ở rể, sau đó lại di chuyển về ở gia đình vợ. Cứ lặp lại, con trai phải ở rể ít nhất 3 năm, con gái mới theo chồng về nhà trai ở hẳn. Về tục ma chay, đồng bào dân tộc Dao Phiêng Côn không có tục lệ làm giỗ hằng năm, thường sau 3 năm gia đình mới làm lễ rửa tội cho người đã khuất, tổ chức làm cỗ đãi cả bản. 

Đặc trưng trong hiếu, hỷ là vậy, còn đối với lễ lập tịch, một nghi lễ cổ truyền ghi nhận sự trưởng thành của người con trai trong gia đình, dòng họ. Khi con trai đến tuổi trưởng thành đều phải làm lễ lập tịch để cúng tổ tiên, báo với người dân trong bản... Lễ lập tịch thường tốn kém nên không phải người đàn ông nào trưởng thành cũng có điều kiện làm lễ. Theo quan niệm của người Dao chỉ những người đã trưởng thành mới được đứng ra tổ chức ma chay, đám cưới hay các lễ cúng trong bản. Trong năm, người Dao không tổ chức các lễ hội văn hóa, chỉ tổ chức 2 lễ tết lớn. Lễ tết truyền thống được tổ chức lớn nhất trong năm vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm, mâm cỗ cúng gia tiên phải có bánh chưng, xôi ngũ sắc... Tết thanh minh vào ngày mùng 3/3 âm lịch, đặc biệt, dịp tết này đúng vào mùa trứng kiến, thật may mắn nếu ai được thưởng thức món đặc sản nộm trứng kiến, với hương vị ngọt thanh, ngậy của trứng kiến kết hợp với hoa chuối, đu đủ hoặc xôi với gạo nếp làm xôi trứng kiến, chắc chắn sẽ nhớ mãi không quên.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Phiêng Côn đã có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ, tiết kiệm, nhất là trong việc đơn giản hóa các thủ tục hiếu, hỷ và lễ lập tịch... Do làm tốt công tác tuyên truyền cho các thế hệ sau về nét văn hóa của dân tộc mình nên những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao vẫn được người dân nơi đây mặc trong các sinh hoạt đời thường.

Chia tay Phiêng Côn khi những tia nắng sớm ló rạng sau những khu rừng và dãy núi trập trùng. Hình ảnh về những trang phục cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nơi đây cứ theo chúng tôi suốt chặng đường về. Phiêng Côn tự hào là một trong những địa phương giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới