Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm: Cuộc tranh luận “nảy lửa”

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III năm 2016 đã dần đi vào hồi kết, thế nhưng những ý kiến trái chiều về “thử” và “nghiệm” vẫn được các nhà nghiên cứu, các tác giả và nghệ sĩ đưa ra trao đổi nhằm tìm ra hướng đi mới cho sân khấu thử nghiệm.

Một cảnh trong vở “Bão” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân.

Quan niệm khác nhau về thử nghiệm

Trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III năm 2016, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã tổ chức 3 cuộc hội thảo, cuộc nào cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Rất nhiều ý kiến tranh luận khiến các cuộc hội thảo “nóng” hơn bao giờ hết. Đạo diễn người Panama Luis Alfredo Siera Chacon cho rằng, thử nghiệm không phải là cái gì mới, đó là những cái mà ta đã có trong tay và muốn chuyển tải đến người xem theo cách mới.

Đồng quan điểm này, ông Alain Destandau (Pháp), Giám khảo kỳ liên hoan này cho biết, từ thời Victor Hugo đã có sân khấu thử nghiệm theo cách không tuân theo quy tắc tam nhất về không gian, thời gian và địa điểm. Nhưng đến bây giờ, sự cách tân ấy không còn mới khi sân khấu thế giới chịu đựng những tìm tòi mới của những người làm sân khấu. Do đó, không có quy tắc nào trong hình thức sân khấu thử nghiệm; sân khấu thử nghiệm có thể mới ngày hôm nay nhưng chưa chắc đã mới trong tương lai.

Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, không có khái niệm “thử nghiệm” trong văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng mà chỉ có khái niệm “làm thật”, bởi nghệ thuật không có chân lý cuối cùng để mà thử nghiệm, trong nghệ thuật chỉ có cái “mới” và “hay”. Vở “Nguyễn Du với Kiều” của Nhà hát Tuổi trẻ đã chạm được cái “mới” khi cho người xem thấy được Nguyễn Du, thấy được Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế khi chưa thể hiện được tài sắc vẹn toàn của nàng Kiều. “Nhà hát Tuổi trẻ làm rất nhiệt tình, kết hợp các loại hình ca, múa, nhạc, dân ca bốn miền, nhưng tài sắc mặn mà của Kiều chưa đến đủ với công chúng” - PGS, TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả của vở kịch “Dưới cát là nước” (Nhà hát Kịch Quân đội) đã thẳng thừng cho biết không quan tâm tới sự thử nghiệm. Theo ông, khác với những vở diễn khác đã là thử nghiệm và đối với nghệ thuật làm khác mình đã là vĩ đại. Nhà hát Kịch Quân đội thường dựng các vở về đề tài chiến tranh cách mạng, đây là lần đầu tiên có một vở diễn chạm vào thân phận của nhân vật qua sự khủng khiếp của chiến tranh, bởi vậy so với các vở diễn khác, “Dưới cát là nước” đã là một thử nghiệm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng, chúng ta đang sống, trong một thời đại có sự thay đổi sâu sắc về mọi mặt nên mọi thứ đòi hỏi rất cao. Công chúng bây giờ cũng khắt khe hơn khi tiếp xúc với nền nghệ thuật, bởi vậy nếu không năng động sẽ tụt hậu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành chia sẻ, ông đã xem một vài vở kịch tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần III và nhận thấy sự “hoang mang” trong các vở diễn mang đến liên hoan. Trong thời đại biến đổi không ngừng, vậy mà kịch “Dưới cát là nước” lại có cách nhìn về quá khứ đầy u tối và tiêu cực, cốt truyện quá đơn giản… Hay vở “Con tàu này không trôi mãi” (Panama) thực chất là kịch câm, chỉ có lời dẫn chuyện... “Thử nghiệm phải là sự tìm tòi mang tính tiên phong, trong sự thử nghiệm ấy, khán giả phải thấy thích và hấp dẫn” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho biết.

Xuất hiện “cái mới”

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết, so với hai lần trước, nhiều vở diễn tại liên hoan lần này chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu, nhiều vở diễn thể hiện đúng tiêu chí “thử nghiệm”.

Tại liên hoan năm nay có khá nhiều nhà hát dựng lại các vở kịch kinh điển của thế giới. Việt Nam có vở  Hamlet, Bão (Shakespeare) và Mê Đê (Euripide). Quốc tế có các vở: Chim hải âu (tác giả Chekhov, biểu diễn: Nhật Bản), Mối tình trong sáng (chuyển thể từ Romeo và Juliet của Shakespeare, biểu diễn: Philipines) và 2 vở của đoàn Trung Quốc đều được chuyển thể từ sử thi, truyện dân gian nổi tiếng như vở Bạch Xà (chuyển thể từ Bạch Xà truyện của Trung Quốc) và Ramayana (chuyển thể từ sử thi cùng tên nổi tiếng của Ấn Độ). Điểm chung của những vở diễn này là lời thoại ngắn, thời lượng được rút ngắn và có kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Chẳng hạn như vở “Bạch Xà” của đoàn Trung Quốc là câu chuyện quen thuộc nhưng việc ứng dụng màn hình led và kỹ thuật mới làm cho câu chuyện linh thiêng hơn, huyền ảo hơn. Vở “Bão” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân được rút ngắn còn 1 giờ 40 phút. Đại tá, NSƯT. Nguyễn Công Bảy, Trưởng Đoàn Kịch nói Công an nhân dân cho biết: Kịch “Bão” của Shakespeare thường rất dài, chúng tôi đã cố gắng thu gọn lại nhưng làm sao vẫn phải chuyển tải được “chất thơ” của vở kịch. “Bão” khi về Việt Nam cũng chuyển tải được nhiều ý mang tính thời đại của Việt Nam, đó là “bão” về cuộc đời, về thân phận con người.

Đánh giá về vở kịch này, PGS. TS. Phạm Duy Khuê cho biết, “Bão” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân đã khẳng định giá trị nhân văn, gắn với nhiệm vụ của người chiến sĩ công an nhân dân. Công an không phải chỉ điều tra, vây bắt tội phạm mà còn hướng con người đến một cuộc sống nhân văn, tốt đẹp hơn. “Vở kịch có một số lớp kịch không lời rất tốt, lời kịch gắn được với hiện thực nước ta hiện nay, tuy nhiên nếu có được thêm một số tạo hình như đưa vào một số anh hề chèo thì sẽ hấp dẫn hơn” - PGS. TS. Phạm Duy Khuê chia sẻ.

Cũng nhìn nhận về vở “Bão”, nhà báo Lê Quý Hiền cho biết, “Bão” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân đã bứt ra khỏi chính mình. Theo nhà báo Lê Quý Hiền, thường ở những liên hoan lớn, các đơn vị sẽ đưa những cây đa, cây đề đến hội diễn, nhưng lần này, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân đã mang đến liên hoan nhiều diễn viên trẻ. Đây là một sự thể nghiệm dũng cảm chứng tỏ Đoàn Kịch đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Đoàn Kịch luôn tạo cho diễn viên những đất diễn khác nhau, những vai diễn khác nhau để diễn viên bộc lộ những tiềm tàng mới. Mặt khác, sự thể nghiệm trong “Bão” cũng được thể hiện qua sự kết hợp giữa dân tộc và hiện đại.

Viết lại kịch bản Romeo và Juliet của nhà soạn kịch Anh Shakespeare, các nghệ sĩ Philippines đã dựng nên tác phẩm Mối tình trong sáng mang một màu sắc hoàn toàn mới bằng sự giao thoa giữa các nền văn hoá Âu Á một cách đặc sắc. Sự thử nghiệm của Đoàn Philippines là việc đưa các điệu múa phía Nam Philippines vào cùng với các nhạc cụ, âm thanh đã tạo nên tính nghệ thuật cao.

Một số vở quốc tế như: “Con tàu này sẽ không trôi mãi” (Panama), “Khách sạn thiên đường” (Đức), “Tôi nhớ” (Hy Lạp), “Họa bì” (Singapore), “Chim hải âu” (Nhật Bản)… cũng đưa đến những cái nhìn mới về vấn đề thử nghiệm trong nghệ thuật sân khấu…

Trong vòng 15 năm qua mới có ba cuộc liên hoan sân khấu thử nghiệm ở Việt Nam. Chính bởi vậy, đây sẽ là cơ hội để cho các nghệ sĩ đưa ra những thử nghiệm của mình, thúc đẩy sự sáng tạo của bản thân. Sự thử nghiệm của các bạn bè quốc tế tại liên hoan lần này cũng là bài học kinh nghiệm quý giá cho các nghệ sĩ nói riêng và nền sân khấu Việt Nam nói chung.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới