Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, không biết từ bao giờ lễ Vu Lan (ngày 15/7 âm lịch) đã trở thành ngày lễ trọng đại nhắc nhở các thế hệ cháu con nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.
Bắt nguồn từ một điển tích trong kinh Phật nói về đạo hiếu và sự báo đền công ơn với đấng sinh thành, đại lễ Vu Lan đã được du nhập vào nước ta mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt. Diễn ra vào tháng 7 âm lịch hàng năm, lễ Vu lan không còn đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thuần túy mà nó đã trở thành ngày của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, phản ánh đúng truyền thống uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt.
Mỗi khi tháng 7 về mỗi người dân đất Việt lại xốn xang, tất bật chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật, thành kính dâng cúng ông bà, tổ tiên. Dù đi đâu, làm gì nhưng đến ngày này con cái trong gia đình cũng phải cố gắng về nhà quây quần bên bố mẹ, người thân. Để báo đền ơn sinh thành, dưỡng dục những người con thường chọn những món quà thật ý nghĩa để biếu, tặng cha mẹ. Có lẽ vì thế mà biểu tượng bông hồng cài áo mẹ đã trở thành hình ảnh đẹp nhất trong mùa lễ Vu lan.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lễ Vu lan của dân tộc Việt cũng không còn bó hẹp trong khuôn khổ báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà cao hơn nó còn là sự báo ân. Ai sinh ra cũng có cội nguồn, từ hình hài bé nhỏ được cha mẹ nuôi dưỡng nên người nhưng để có cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày nay, một phần là nhờ sự hy sinh xương máu của các anh hùng dân tộc. Vì thế lễ Vu lan còn là lễ tri ân đến những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, để nở hoa độc lập, kết trái tự do. Có lẽ vì thế mà mỗi mùa Vu Lan đến, nhiều nơi lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những mẹ Việt Nam anh hùng và những gia đình có công với cách mạng…
Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, việc báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong tứ ân quan trọng nhất. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu thực sự đã trở thành một ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ngày càng được bồi đắp để làm sáng hơn đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ngày lễ Vu Lan không chỉ có ý nghĩa là ngày cúng lễ tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cúng cho các vong hồn cô quạnh mà sâu xa hơn, nó nhắc nhở con người biết trân trọng và biết ơn những gì mình đang có. Báo hiếu không chỉ khi người thân đã mất đi rồi mà quan trọng nhất là phải thể hiện ngay từ khi họ còn sống. Để được đắm mình trong suối nguồn yêu thương ngay từ khi ông bà, cha mẹ còn sống chúng ta phải biết chăm sóc, đối đãi, hiếu nghĩa thực tâm với ông bà, cha mẹ. Thế nhưng thực tế hiện nay trong xã hội vẫn còn không ít kẻ “chót lưỡi, đầu môi”, sống gian dối, đối đãi không ra gì với ông bà, cha mẹ khi sống nhưng khi họ mất đi rồi thì lại diễn cảnh xót xa, thương tiếc không nguôi và cúng tế những đồ lễ xa xỉ.
Trong thực tế cũng có những người con vì quá yêu quý, kính trọng ông bà, cha mẹ khi còn sống, khi mất đi rồi họ quan niệm “Trần sao âm vậy” nên cố gắng bù đắp, đến ngày lễ Vu lan sắm sửa mâm cao cỗ đầy, vàng mã, lễ vật gồm nhà lầu, xe hơi… để đốt cho linh hồn người đã khuất. Họ đâu biết rằng đó chính là hình thức mê tín dị đoan, vừa tốn tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Lễ Vu lan là lễ báo hiếu nhưng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng không có nghĩa là cứ phải thể hiện bằng vật chất mà đôi khi còn là sự tiếp nối truyền thống gia đình, là việc sống thiện, sống có ích như mong muốn của ông bà, cha mẹ. Có lẽ cũng vì thế mà mỗi mùa lễ Vu lan là mỗi mùa chúng ta nên kiểm điểm lại bản thân xem ta đã thực sự sống đúng với truyền thống, đạo lý của dân tộc và lời dạy ý nghĩa của nhà phật./
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!