Chỉ chiếm 0,87% dân số của tỉnh, dân tộc La Ha vẫn duy trì phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa riêng. Trong đó, Lễ hội Pang A, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc La Ha, vẫn được bà con chú trọng lưu truyền, bảo tồn và phát triển.
Múa mừng măng mọc quanh cây xặng bók trong Lễ hội Pang A.
Lễ hội Pang A (Lễ hội mừng măng mọc) thường được tổ chức hằng năm (có nơi từ 2 đến 3 năm tổ chức 1 lần, với quy mô lớn hơn) vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch. Đây là mùa măng đắng mọc (tiếng La Ha là nụn), một món ẩm thực rất riêng của bà con. Ngoài măng đắng, mùa này còn có hoa mạ (bók mạ), hoa píp và hoa ban (bók ban), cũng được dùng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, hoặc trang trí trong Lễ hội, bởi vậy, Lễ hội này còn được gọi là “Pang A nụn ban”. Lễ hội Pang A được tổ chức nhằm giúp những người bị bệnh được thầy thuốc chữa khỏi, bày tỏ tình cảm đối với người cứu giúp chữa trị, nối sợi dây tình cảm lâu dài giữa thầy và các con nuôi (người được chữa khỏi bệnh), gắn kết cộng đồng.
Để tổ chức Lễ hội này, người giúp việc lên rừng chọn cây moóc và cây chuối rừng to, đẹp nhất để dựng cây xặng bók. Người La Ha quan niệm: Cây moóc tượng trưng cho con trâu đen, cây chuối tượng trưng cho con trâu trắng (trâu là bạn thân thiết của nhà nông). Ngoài ra, còn trang trí rất nhiều đồ lễ lên cây hoa, quan niệm tất cả các đồ vật hay con người đều phải có đôi, có lứa, nên số lượng các đồ trang trí đều là số chẵn, gồm: dải hoa vải, trống chỉ, quả còn, con ve, chim cu, hoa ban, hoa mạ, kiếm, lá chắn, biểu tượng dương vật, âm vật, cày bừa, pí lao... Đây cũng là đạo cụ phục vụ cho phần hội. Phần lễ vật, gồm lợn, gà, cá, tôm, cua, bánh chưng, mía, măng đắng, hoa ban, gạo, thóc, hương, nến và những chum rượu cần để làm lễ tế thần linh.
Phần lễ chủ yếu mời các vị tổ tiên, các vị thần linh, âm binh giúp đỡ cứu chữa bệnh cho tộc người về dự lễ, hưởng lộc của các con nuôi, với mong muốn các vị thần linh về phù hộ cho dân tộc La Ha luôn khỏe mạnh, ít ốm đau, mách bảo cho con người một số bài thuốc từ thiên nhiên có khả năng chữa bệnh. Tiếp đến, mọi người bắt đầu múa tăng bu, đánh trống, tung khăn múa xung quanh cây xặng bók, nghiêng ngả di chuyển theo nhịp gõ của tăng bu hết sức sôi nổi, rộn ràng.
Sau phần lễ là phần hội sôi động, vui vẻ, khẳng định tính sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hằng ngày mang đậm bản sắc tộc người, phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, ước nguyện mong muốn các vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, nhắc nhở con cháu nhớ công lao thầy thuốc. Sôi động nhất là các trò diễn miêu tả một số loại bệnh thường gặp trong cuộc sống, như trò giả làm người bệnh bướu cổ đi tìm người chữa bệnh; người què chân, đi khập khiễng kêu cầu tìm phương cách cứu chữa... rồi có sự xuất hiện của thầy thuốc cứu giúp mọi người... tất cả đều tham gia vào các trò diễn quanh cây xặng bók. Tiếp đó, còn tổ chức các trò diễn người trông nương (ma nơ canh); giả làm con khỉ tinh nghịch hái trộm trái cây trên cây xặng bók; cảnh cày bừa làm ruộng của bà con; múa cầu mưa, mong cho mưa thuận, gió hòa; múa khăn đi vòng tròn thể hiện tình đoàn kết; múa kiếm tượng trưng cho sức mạnh, bảo vệ bản làng; tung còn để nam nữ gặp gỡ, hẹn hò, tìm hiểu, kết duyên đôi lứa...
Vui nhộn nhất là phần múa Sừng Lừng, thể hiện sự phồn thực sinh hoạt nam nữ, tạo nên tiếng cười sảng khoái, vui vẻ. Sự tự nhiên, hài hước của người diễn trò, sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người, tạo không khí sôi động. Đây là điệu múa truyền thống của dân tộc La Ha cầu sinh con, cháu khỏe mạnh. Đồng thời, dọa tà ma không được làm hại đến trẻ sơ sinh. Kết thúc phần hội là nghi thức tiễn hồn tổ tiên lên trời, hạ cây xặng bók, xin lộc, phá cỗ liên hoan, uống rượu cần, chúc phúc vui vẻ.
Lễ hội Pang A là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc La Ha đang được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh khảo tả, phục dựng, bảo tồn, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!