Trước khi có các phương tiện nghe, nhìn hiện đại thì sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các hình thức giải trí bùng nổ mạnh mẽ đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
ĐVTN tham gia đọc sách tại Ngày hội “Tuổi trẻ với sách” tại Trường Cao đẳng Sơn La.
Giới trẻ ngày nay dường như ít quan tâm đến sách và đọc sách hơn; nhiều bạn còn cho rằng đọc sách mất thời gian và chậm cập nhật kiến thức xã hội. Bạn Lù Văn Đức, sinh viên Trường Cao đẳng Sơn La, cho hay: “Ngày nay muốn tìm hiểu một thông tin gì đó, không nhất thiết phải ngồi hàng giờ để đọc, chỉ cần vài phút truy cập Internet là có thể có đầy đủ tài liệu mình muốn”. Còn chiến sỹ Hà Ngọc An, tiểu đoàn huấn luyện cơ động Bộ đội biên phòng tỉnh, chia sẻ: “Đọc sách đem lại cho chúng ta những giây phút giải trí, cung cấp cho chúng ta rất nhiều những thông tin bổ ích, có thể luyện khả năng đọc nhanh. Mặc dù vậy, mỗi ngày tôi cũng chỉ dành được 15 phút để đọc sách thôi”.
Cuộc sống đương đại, việc truyền tải thông tin có rất nhiều hình thức: qua mạng internet, zalo, facebook, twitter, mstagram... nhưng khi được hỏi về khả năng ghi nhớ tin tức, thông tin trên mạng, nhiều bạn trẻ lại bối rối, ngập ngừng. Bởi những tin tức, thông tin mà họ đọc được ở đó chỉ gói gọn trong vài trăm ký tự nên thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động tư duy. Mặt khác, tính đa chiều, không chính thống của nhiều thông tin trên mạng cũng làm cho bạn đọc hoang mang. Không chỉ vậy, khi sách trên thị trường đa dạng về thể loại thì một bộ phận bạn trẻ lại cảm thấy khó khăn trong việc chọn sách để đọc, không biết đâu là cuốn sách phù hợp với bản thân, dẫn đến nhiều bạn đọc sách theo trào lưu, nghĩa là khi một cuốn sách nào đó được các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi, quảng cáo là đua nhau mua, đọc, nhưng sau đó lại không đủ kiên nhẫn để đọc hoặc có đọc cũng chẳng thu lại được nội dung gì từ cuốn sách đó.
Với mục đích khuyến khích các em học sinh tích cực đọc sách nhằm tăng cường cung cấp vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, những năm qua, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Nậm Ét (Quỳnh Nhai) đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, có việc xây dựng mô hình “Thư viện ngoài trời”. Để phong phú về đầu sách, ngoài nguồn hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường vận động quyên góp 10 đầu sách, báo/giáo viên/năm học. Đến nay, thư viện đã có gần 200 đầu sách, chủ yếu là sách, báo thiếu nhi, nhi đồng, truyện tranh, truyện cổ tích. Nhằm sử dụng hiệu quả các loại sách tại “Thư viện ngoài trời”, nhà trường đã giao cho cán bộ phụ trách thư viện quản lý, hướng dẫn các em đọc sách. Qua đọc các loại sách, báo, tạp chí đã giúp các em có thêm vốn từ vựng tiếng Việt, tự tin hơn trong giao tiếp; mở rộng mối quan hệ bạn bè trên khắp đất nước thông qua việc viết thư kết bạn.
Theo anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn thì văn hóa đọc chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức. Để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội “Tuổi trẻ với sách”, phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu niên”; tặng sách cho một số trạm sách thư viện... trong tháng thanh niên. Để xây dựng văn hóa đọc trong thanh niên, thời gian tới, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thi, hội diễn gắn với giới thiệu sách; xây dựng các mô hình câu lạc bộ: “Tuổi trẻ với sách”, “Những người đam mê đọc sách”, “Tủ sách tuổi trẻ học tập và làm theo Bác”; vận động thanh niên đến các điểm bưu điện - văn hóa xã, các thư viện trên địa bàn để đọc sách, tìm hiểu kiến thức, thông tin và vận dụng vào quá trình học tập, công tác, lao động sản xuất.
Chị Hồ Thị Dung, Phó Giám đốc thư viện tỉnh, thông tin thêm: Thực tế người đọc chưa hề quay lưng với sách, mà chỉ là chưa giành thật nhiều thời gian cho văn hóa đọc. Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa đọc, chúng ta cần phải quan tâm tới công tác tuyên truyền, cổ động, quảng bá sách đến cộng đồng; sự vào cuộc của hệ thống truyền thông. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung thêm các đầu sách cho hệ thống, tủ sách thư viện công cộng; tặng sách cho các trạm thư viện của các đơn vị, cơ quan, đoàn viên thanh niên có niềm đam mê với sách. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường cho thế hệ trẻ tiếp cận với sách vở để tìm hiểu cuộc sống. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu, khuyến khích các em tìm đến sách trên các phương tiện truyền thông không còn chỉ mang tính bề nổi mà đã được thực hiện thường xuyên, góp phần không nhỏ hướng các em đến nguồn tri thức vô giá này.
Đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích, đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức đòi hỏi mỗi bạn trẻ chúng ta cần phải có sự chọn lọc để có những cuốn sách phù hợp với nhu cầu học tập, trau dồi thêm kiến thức, nghiên cứu khoa học, giải trí và có những tích lũy kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống.
Trần Hiền
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!