Ngày sách thế giới hoặc Ngày sách và bản quyền thế giới (World Book Day) là sự kiện diễn ra ngày 23/4 hằng năm do UNESCO tổ chức, nhằm tôn vinh giá trị của sách và đóng góp quan trọng của các tác giả khi sáng tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị. Đồng thời, đánh giá cao những ngành nghề liên quan đến sách báo và tri thức (thư viện, in ấn, xuất bản, phát hành...).
Bình luận sự kiện trước thành viên, ông trung niên chia sẻ:
- Các chú ạ! Theo tôi biết, cứ 23/4 hằng năm, UNESCO và 3 tổ chức quốc tế chuyên về sách, gồm: Hiệp hội xuất bản quốc tế (IPA), Liên đoàn sách quốc tế (IBF), Liên đoàn quốc tế các thư viện và Hiệp hội thư viện (IFLA) lại chỉ định một quốc gia nhất định làm Thủ đô sách của thế giới trong một năm, bởi họ đánh giá rất cao tầm quan trọng các chương trình nâng cao giá trị văn hóa đọc, viết và xuất bản; ảnh hưởng của sách đối với đời sống xã hội; khuyến khích tất cả các tầng lớp xã hội khám phá, tìm hiểu, tích lũy kiến thức thông qua đọc sách; ghi nhận những đóng góp to lớn của các tác giả đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quảng bá văn hóa nhân loại. Hằng năm, hàng trăm quốc gia kỷ niệm Ngày sách và bản quyền thế giới bằng những hoạt động thiết thực, hình thức, chủ đề phong phú, xây dựng mối liên kết, gắn bó giữa bạn đọc với các thư viện, nhà xuất bản, cơ quan phát hành...
Đợi đàn anh ngừng lời, bác da ngăm ngăm liền đưa ra ý kiến riêng:
- Lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã, đang và sẽ còn mang lại những giá trị văn hóa sâu sắc, bền vững, hiệu quả đích thực. Trên thực tế, hoạt động này thu hút sự quan tâm, chú ý của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cũng như đông đảo các thành phần, già trẻ, gái trai trong xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và văn hóa đọc càng khẳng định sự trường tồn của sách và văn hóa đọc, thêm nữa ghi dấu ấn đậm nét hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng xã hội về bản quyền, cơ hội để công chúng tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về Luật bản quyền và hoạt động xuất bản. Ngoài ra, còn tiến hành các hoạt động: Giảm giá bán sách, thi viết về sách, tặng sách cho các đối tượng khó khăn, tật nguyền, nơi bị thiên tai nặng nề...
Giọng điệu như diễn giả thuyết trình, anh chàng nhỏ thó sôi nổi:
- Bây giờ có rất nhiều hình thức để giới thiệu, khuyến khích, quảng bá sách và văn hóa đọc, bản quyền và những vi phạm bản quyền... trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các ấn phẩm báo chí, trong các chương trình phát thanh, truyền hình. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng hết sức đa dạng, dưới nhiều hình thức, như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện, trên các con tem bưu chính, trưng bày, giới thiệu và bán các loại sách báo, tạp chí, trao đổi kinh nghiệm đọc sách, đố vui về sách, trao đổi, thảo luận cảm thụ văn học, kỹ năng sống, kiến thức hiểu biết xã hội, phát tờ rơi, căng treo khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng, khu vực sinh hoạt cộng đồng; tổ chức quyên góp sách tặng trẻ em, xây dựng thư viện tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; mở các cuộc thi cho các em nhỏ vẽ tranh theo sách, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, kể chuyện sách bằng tiếng Việt và nhiều ngoại ngữ khác.
Lúc lắc mái đầu bạc, ông trung niên vẻ như chưa hết phấn khích:
- Thế giới đang đổi thay từng ngày và sách cũng không ngoại lệ. Sự phát triển của internet, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số... đã chuyển đổi hoạt động đọc truyền thống sang chia sẻ kiến thức, tiếp cận tự do, đa chiều; đổi mới hoạt động xuất bản bằng các phương thức kinh doanh sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số, khuyến khích các tác giả sáng tạo nhanh hơn, nhiều hơn, để thêm nhiều đối tượng được hưởng lợi từ việc đọc, nâng cao kiến thức, hiểu biết, kỹ năng sống, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách. Ngày sách Việt Nam còn khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; khuyến khích mọi tầng lớp, nhất là giới trẻ say mê, yêu thích đọc sách, để kết nối các nền văn hóa, sáng tạo ý tưởng, chia sẻ kiến thức, kỹ năng...; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức xã hội phát triển, đề cao văn hoá đọc, nhận thức sâu sắc sức mạnh và ảnh hưởng của sách trong xây dựng xã hội tri thức. Chắc chắn phải thế, các chú thấy thế nào?
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!