Dành đêm trăng tròn đầy cho trẻ em

Một Tết Trung thu nữa lại đến, khắp phố phường, làng bản lại rực rỡ ánh sáng của những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân đủ màu sắc vui đón trăng tròn. Trung thu không còn chỉ là ngày Tết của riêng trẻ em nữa, mà thông qua đó, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hăng hái mở lời, giọng ông trung niên sang sảng: 

- Trong dịp này, cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu, để mọi trẻ em được vui chơi, tham gia các hoạt động an toàn, lành mạnh, thân thiện, như: Liên hoan giao lưu văn nghệ mang chủ đề “Vui hội trăng rằm”, “Trung thu nhớ Bác”, “Vầng trăng yêu thương”, “Chia sẻ ước mơ tuổi thơ”; biểu diễn hoạt cảnh sự tích chị Hằng, chú Cuội; tổ chức các trò chơi dân gian, thi trang trí, trình bày mâm cỗ theo truyền thống từng dân tộc..., cũng dịp này có thể tổ chức tặng quà, trao học bổng cho học sinh giỏi, trẻ em nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, hỗ trợ để mọi trẻ em đều được vui Tết Trung thu.

Tiếp lời chủ tọa, bác da ngăm ngăm nói nhanh:

- Đối với trẻ em, Trung thu là ngày Tết được mong chờ nhất trong năm, bởi các em lại được đón nhận tình yêu thương của gia đình, xã hội thông qua những món quà, đồ chơi nhỏ bé, xinh xắn, được tham gia sinh hoạt trong không khí đầm ấm, thân thiện, chan chứa yêu thương. Cứ vào dịp này, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội lại tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa mang lại niềm vui cho các cháu nhỏ, vừa là hoạt động mang tính truyền thống, vừa là phong tục tốt đẹp của dân tộc. Tổ chức vui Tết Trung thu cũng là một trong những công việc nằm trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với thực hiện quyền, nghĩa vụ theo Luật Trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ nhỏ được vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện.

Chùng giọng, anh chàng nhỏ thó nói như cảnh báo:

- Dịp này, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội hướng dẫn các cơ sở chủ động phối hợp với các đoàn thể cơ quan, đơn vị tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ, hướng dẫn các em làm đồ chơi, tham gia diễn kịch, kể chuyện, liên hoan văn nghệ, phá cỗ, thu hút các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích. Tuy nhiên, người lớn chúng ta cần quan tâm lựa chọn những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của các cháu, tránh tặng con trẻ những món đồ chơi mang tính bạo lực đang tràn ngập thị trường, như dao kiếm, súng ống, đèn pin laser...; ngăn chặn không để trẻ tự phát rủ nhau chạy xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, chở ba chở bốn, dùng súng nhựa bắn nước, quăng ném những bọc nước, chất thải độc hại vào nhau, vừa gây nguy hiểm cho chính các em, vừa gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Gương mặt giãn hẳn ra, ông trung niên ôn tồn:

- Các chú nói chính xác! Dịp này không đơn thuần tổ chức vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho các cháu nhỏ mà còn là dịp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng hơn nữa công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em... Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động, góp phần hình thành nhân cách và phát triển kỹ năng sống, động viên thiếu niên nhi đồng hăng hái phấn đấu, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ; động viên các em thêm tự tin, tự giác học tập, rèn luyện trở thành “con ngoan, trò giỏi”, gặt hái nhiều bông hoa điểm 10, có thêm nhiều việc làm tốt, nhiều hoạt động hay, phù hợp lứa tuổi và tâm sinh lý của các em. Tất nhiên rồi, cần đặc biệt quan tâm nhiều hơn, đầy đủ hơn tới các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để làm sao cho mọi trẻ em đều được đón trăng rằm đầy đặn.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới