Để ghi lại những đóng góp, cống hiến của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong chiến dịch Tây Bắc, năm 2017, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách “Sơn La với chiến dịch Tây Bắc năm 1952”.
Sơ đồ chiến dịch Tây Bắc (14/10 - 10/12/1952).
Ảnh: Tư Liệu
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, về hành chính vùng Tây Bắc nằm ở phía Tây Bắc Bắc Bộ Việt Nam, gồm 4 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tích cực đóng góp và giúp đỡ lực lượng vũ trang về mọi mặt: Ủng hộ lương thực, thực phẩm, tham gia dẫn đường, làm liên lạc, trinh sát nắm tình hình… tạo điều kiện cho các đơn vị vũ trang làm nên thắng lợi trong các trận chiến đấu trên các chiến trường Tây Bắc những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước vào mùa khô năm 1952, sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ về chiến trường Tây Bắc, Tổng Quân ủy đã đề đạt với Trung ương chọn Tây Bắc là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, đồng bằng sông Hồng là hướng phối hợp quan trọng. So với chiến trường khác, Tây Bắc là chiến trường địch yếu, sơ hở nhưng lại là một địa bàn chiến lược hiểm yếu, khi bị ta tiến công, chắc chắn địch sẽ đưa lực lượng lên ứng cứu. Việc chia cắt, phân tán lực lượng địch để chúng phải bị động ứng phó sẽ tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt. Thấy rõ phương hướng tiến công chiến lược có lợi là chiến trường rừng núi và đúng chủ trương: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Bắc.
Năm 1952, để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ Sơn La đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc cùn các lực lượng vũ trang nhanh chóng củng cố các đơn vị vũ trang địa phương và dân quân du kích, ngày đêm tập luyện kỹ thuật, chiến thuật để phối hợp với các đơn vị chủ lực sẵn sàng tiêu diệt địch khi chiến dịch mở ra. Khi chiến dịch Tây Bắc diễn ra, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, ở khắp mọi nơi trong hai đợt của chiến dịch, bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Sơn La luôn sát cánh, chiến đấu cùng bộ đội chủ lực. Cùng với đó, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia dân công phục vụ chiến dịch, cáng thương, tiếp lương, tải đạn cho bộ đội chủ lực truy kích địch. Chính sự phối hợp giữa bộ đội địa phương, dân quân di kích và các lực lượng cách mạng tỉnh Sơn La với các đơn vị bộ đội chủ lực đã tạo nên sức mạnh tổng lực của khối đại đoàn kết toàn dân đưa chiến dịch Tây Bắc đến toàn thắng... Trong toàn chiến dịch, tỉnh Sơn La đã huy động tất cả nhân lực, vật lực vượt chỉ tiêu trên giao, trên 1.421 ngày công, 693.434 kg gạo, 8.000 kg ngô, 48.321 kg thịt các loại... Hàng trăm thanh niên các dân tộc hăng hái tự nguyện nhập ngũ, làm nghĩa vụ quân sự, góp phần vào thắng lợi chiến dịch. Chiến thắng Tây Bắc “Mãi là mốc son chói lọi, là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam”.
Cuốn sách “Sơn La với chiến dịch Tây Bắc năm 1952” sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự chủ và truyền thống đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc đổi mới cho các thế hệ, qua đó tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Huyền Thanh (Thư viện tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!