Công nghệ viễn thông thúc đẩy phát triển bền vững

Ngày 17/5 năm nay đánh dấu 154 năm ngày thành lập Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU), một trong những tổ chức tiến hành các hoạt động công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại.

Hít sâu một hơi, ông trung niên nói như giải thích:

- Thời hồng hoang, các phương pháp truyền tin giữa các vùng xa xôi thường diễn ra trên lưng ngựa. Năm 1837, điện tín mới được phát minh, nhưng mãi tới 1844, bức điện tín đầu tiên của Samuel Morse mới được gửi từ Washington đến Baltimore. Tới năm 1858, cáp điện xuyên quốc gia hình thành. Để khắc phục những khác biệt hệ thống pháp lý giữa các quốc gia, Thỏa ước chung về luật lệ, tiêu chuẩn thiết bị cũng như cước phí được các quốc gia đàm phán và ký kết. Ngày 17/5/1865, Công ước điện tín thế giới đầu tiên được ký, Liên minh Điện tín quốc tế (International Telegraph Union) được thành lập - tiền thân của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hiện giờ.

Vuốt ngược mái tóc, bác da ngăm ngăm thâm trầm:

- Kỷ niệm Ngày viễn thông và xã hội thông tin thế giới là cơ hội để nâng cao thêm nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào các công nghệ viễn thông, ITU càng thể hiện rõ vai trò tích cực hỗ trợ tích hợp, mở rộng và chia sẻ tầm nhìn phát triển nhằm đáp ứng những thay đổi hết sức nhanh chóng trong môi trường toàn cầu. ITU tự hào cho thấy vai trò chính yếu trong kết nối thế giới với các phương thức truyền thông hiện đại, sáng tạo, cho phép kết nối mọi thời gian, mọi nơi và mọi thứ. Những sáng tạo và triển khai các công nghệ sẽ lan tỏa tới mọi nhu cầu của cuộc sống, là động lực để hình thành các chương trình phát triển bền vững.

Nhổm người trên ghế, anh chàng nhỏ thó sôi nổi:

 - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra sâu rộng, tốc độ nhanh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Chỉ riêng hệ thống thông tin di động đã thấy sự khác biệt lớn. Nếu thế hệ thông tin di động thứ nhất (1G) mới giao tiếp thông tin qua kết nối tín hiệu tương tự (analog), thì thế hệ thứ hai (2G) đã sử dụng tín hiệu kỹ thuật số (digital), phạm vi kết nối rộng, xuất hiện tin nhắn dạng văn bản SMS; tới thế hệ thứ ba (3G) cho phép truyền tải dữ liệu thoại và phi thoại (email, tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, video clip...); nhưng đến thế hệ thứ tư (4G) tốc độ đã nhanh gấp hàng trăm lần, hỗ trợ truyền hình di động và cuộc gọi video chất lượng cao; nhưng bây giờ, công nghệ 5G còn ghê gớm hơn với tốc độ truyền dữ liệu cực cao, khả năng kết nối rộng, công suất lớn, nguồn tiêu thụ nhỏ, cho phép chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, giúp mọi vật giao tiếp, hệ thống tự động hóa thực hiện đúng ý muốn con người, cho phép “chuyển đổi số”, xây dựng “Chính phủ số”, “xã hội số”, “kinh tế số”.

Trở lại vai trò chủ tọa, ông trung niên chậm rãi:

- Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, phổ biến rộng rãi cáp quang băng thông rộng, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn với các thiết bị viễn thông “Made in Vietnam”. Bởi vậy, càng cần phải quản lý thống nhất, hướng tới khách quan, phù hợp quy luật phát triển khách quan. Hệ thống viễn thông không chỉ hướng tới thành quả, mà còn cần dũng cảm, quyết tâm, sáng tạo, tiếp cận xu hướng “quản lý đi trước sự phát triển”. Tuy nhiên, các phổ tần số, quỹ đạo địa tĩnh xung quanh trái đất là nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, nên cần phải được chia sẻ một cách công bằng; ưu tiên hàng đầu của hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin vẫn là giải quyết các vấn đề sử dụng công nghệ thông tin để phát triển, bảo đảm an toàn mạng, thiết lập giá cả hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, gia tăng năng lực chuyển tải và tôn trọng đa dạng văn hóa để phát triển bền vững.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới