Có vẻ như các bậc phụ huynh vẫn đang bỏ ngoài tai những cảnh báo của cơ quan chức năng về mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các quầy quán, xe đẩy, hàng rong xung quanh cổng trường học, tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị nhiễm hoặc mắc bệnh dịch, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Thế nên, hằng ngày khá đông thực khách lứa tuổi mang khăn quàng đỏ, nhi đồng, thậm chí cả trẻ mẫu giáo vẫn vô tư ăn uống.
Dáng vẻ bồn chồn, ông trung niên lo lắng:
- Bây giờ, các chú đến cổng bất cứ trường học nào, dù lớn hay nhỏ mà chẳng thấy hàng quán bày bán đủ loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, đồ chơi? Cứ trước khi vào lớp hoặc giờ ra chơi, học sinh lại túa ra, sà vào các hàng quán này, vô tư thưởng thức những món “khoái khẩu”: Bánh mì, xôi rán, bánh cuốn, thịt xiên nướng, xúc xích, phô mai, bắp rang bơ, kẹo bông, cùng đủ thứ hoa quả, nước giải khát với muôn kiểu hộp, ly, lon lớn nhỏ. Đối với những trường quản lý khá chặt khâu này thì bọn trẻ lại có “ngàn lẻ một” kiểu giao dịch: Qua khe chắn song tường rào, câu móc đồ đựng trong túi, bọc nilon... chủ hàng cũng khỏi cần đeo găng hay đồ bảo hộ, cứ thoăn thoắt cắt thứ này, thái thứ kia, đóng túi, chuyển hàng, thu tiền nhoay nhoáy.
Nhăn trán, bác da ngăm ngăm trích dẫn:
- Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm, dẫn đến ngộ độc thực phẩm; đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 đến 3 tháng trong trường hợp tái phạm; buộc chịu mọi chi phí khám, điều trị người bị ngộ độc. Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định, hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy định an toàn thực phẩm, gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe của 5 đến 20 người có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nhưng xem chừng, chế tài xử phạt trên vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Nhìn các đàn anh, anh chàng nhỏ thó ngập ngừng:
- Nhưng công tác quản lý kinh doanh thức ăn đường phố, hàng rong, quà vặt xung quanh trường học khó khăn lắm các bác ạ! Bởi hoạt động này thuộc trách nhiệm quản lý của rất nhiều nơi, nào UBND sở tại, y tế cơ sở, quản lý thị trường, các nhà trường... thành ra, dù đã tổ chức thanh tra, kiểm tra nhưng hiệu lực, hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu; việc kiểm tra, phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở biện pháp nhắc nhở, nên không ít chủ hàng cứ thấy đoàn kiểm tra vắng mặt là lại... “nguyễn y vân”! Để giải quyết triệt để các quán hàng rong vây ráp trường học, đòi hỏi chính quyền, cơ quan chức năng địa phương vào cuộc quyết liệt hơn; các bậc phụ huynh giáo dục, nhắc nhở con em gìn giữ, bảo vệ sức khỏe bằng việc kiên quyết tẩy chay không sử dụng các loại thực phẩm kiểu này.
Chậm rãi, ông trung niên kết thúc câu chuyện:
- Để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với học sinh, cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của nhà trường, cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh, giáo dục con em thói quen ăn uống hợp vệ sinh tại nhà, hạn chế ăn quà vặt trước cổng trường. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các cơ quan chức năng thông tin, giáo dục kiến thức về các quy định bảo đảm ATTP, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm. Thực hiện thật tốt các kế hoạch của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố xung quanh các trường học; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo trong cộng đồng... chỉ như vậy mới mong vãn hồi trật tự lĩnh vực ATVSTP, bảo vệ sức khỏe và tính mạng con em nhà mình, phải không các chú?
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!