Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bởi số đông người tiêu dùng chưa biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng, thường ở thế yếu, lại e ngại các thủ tục pháp lý... thế nên, 15/3 hằng năm được Liên hợp quốc chọn làm Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới, mục đích hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật, có các quy định và cơ chế chặt chẽ nhằm bảo đảm bình đẳng giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ.

Bảo vệ quyền lợi  người tiêu dùng

Bình luận về chủ đề, ông trung niên chia sẻ:

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của xã hội. Không chỉ tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà còn là nhận thức, hiểu biết của các thương nhân nhằm tránh những rủi ro, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng. Chính bởi vậy, mạng lưới tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng luôn được mở rộng tại cơ sở, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh ta cũng vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017-2022 đấy các chú!

Trầm ngâm, bác da ngăm ngăm băn khoăn:

- Thật tiếc, thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, sự non kém chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ thờ ơ, tắc trách của một số nhân viên công vụ. Không buồn sao được khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bị lừa đảo khi mua hàng hóa qua các website thương mại điện tử, mạng xã hội, mạng lưới bán hàng đa cấp, bị tính sai cước phí điện thoại, thẻ thanh toán? không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, làm méo mó môi trường kinh doanh, gây biến động giá cả.

Tán đồng, anh chàng nhỏ thó phân tích thêm:

- Đúng là bảo vệ được người tiêu dùng không đơn giản các bác nhỉ! Có phải do các chế tài xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa phù hợp? Cơ chế để người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi có tranh chấp xảy ra hạn chế? Nhìn chung, người tiêu dùng còn lúng túng trong tìm hiểu các thông tin liên quan đến sản phẩm hàng hóa cũng như tình hình thực tế của nhà cung cấp, họ thường không nắm đầy đủ tính năng, công dụng, chất lượng sản phẩm dự định sử dụng... hậu quả là gặp rủi ro, thua thiệt.

Gõ ngón tay trên mặt bàn, ông trung niên chậm rãi:

- Khách hàng chỉ là “thượng đế” khi các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành gắn với công tác hậu mãi, bảo hành sản phẩm, phối hợp giải quyết khiếu nại. Xử lý nghiêm khắc hành vi từ chối bảo hành, thoái thác trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa đã cung cấp; quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Cùng với đó, toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, tiêu dùng hợp lý, tiêu dùng an toàn... Về phía mình, người tiêu dùng hãy ý thức đầy đủ quyền và trách nhiệm trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu được cung cấp thông tin trung thực, được bồi thường khi bị thiệt hại; khởi kiện các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ sai trái; phát hiện, tố cáo các hành vi gian lận tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, giá cả... khi đó quyền lợi của họ mới được bảo vệ đúng nghĩa, các chú thấy thế nào?

Nguyễn Quang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới