Những năm qua, Chi hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh luôn bám sát định hướng tuyên truyền của tỉnh, tập trung phản ánh về công cuộc đổi mới đất nước, về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các tác phẩm VHNT; đi sâu nghiên cứu, phát triển văn hóa các dân tộc để phổ biến, giới thiệu, quảng bá, trở thành cầu nối đưa văn hóa các dân tộc Sơn La đến với mọi miền đất nước.
Ở lĩnh vực nghiên cứu dân gian, các hội viên đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật và phổ biến rộng rãi đến công chúng, tiêu biểu như: tác giả Hoàng Trần Nghịch (Thành phố) đã sưu tầm, dịch thuật hàng nghìn bản sách Thái cổ, hàng trăm lễ hội, trường ca, thơ của dân tộc Thái; tác giả Cầm Vui (Mường La) sưu tầm trên 50 bản sách chữ Thái cổ về lễ hội, tín ngưỡng, truyện thơ ca... Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã truyền dạy 10 loại nhạc cụ dân tộc Thái, Mông, La Ha cùng các điệu hát, múa dân gian cho hơn 300 người; thực hành và phổ biến 88 truyện thơ, trường ca, bài cúng tiễn tâm linh bằng tiếng Thái cổ; dịch 22 bản sách chữ Thái cổ, 10 kịch bản lễ hội đưa vào phục dựng...
Hội VHNT các DTTS Việt Nam tọa đàm, gặp mặt văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc tại Sơn La.
Các hội viên mảng văn học, thơ ca dân gian nỗ lực sáng tác, “ra lò” hàng trăm tác phẩm, phản ánh chân thực mọi mặt đời sống xã hội. Tác giả Lò Xuân Thương (Thuận Châu) đi đầu trong nghiên cứu, biên soạn, quảng bá, sáng tác thơ song ngữ với hơn 200 bài thơ, gây ấn tượng sâu sắc trong bà con dân tộc Thái. Tác giả Lò Văn É (Thuận Châu) nghiên cứu biên soạn, lưu giữ và quảng bá hơn 200 bài thơ song ngữ bằng chữ Thái và chữ quốc ngữ; sưu tầm, lưu giữ và phổ biến truyện cổ, kịch, tục ngữ dân tộc Thái với 10 câu chuyện truyền thanh, hoạt cảnh, ca cảnh, trường ca hát đối giao duyên; truyền dạy cách thức tổ chức lễ Hạn Khuống cho các địa phương trong huyện. Tác giả Mòng Thị Ơi, dân tộc Khơ Mú (Sốp Cộp) với năng khiếu, tự học hỏi, đã nghiên cứu, dàn dựng, lưu giữ, thực hành và truyền dạy nhiều bài múa, hát đối đáp, xây dựng đội văn nghệ mẫu, tham gia các liên hoan, hội diễn đều đoạt Huy chương vàng. Nhằm lưu giữ lời đang, câu ví dân tộc Mường, ông Đinh Văn Cung (Thành phố) đã bỏ kinh phí, đi đến các xã bản vùng ven sông Đà thuộc các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu nghiên cứu, sưu tầm, thu âm, dịch thuật 192 bài đang Mường được dịch ra tiếng Việt. Tác giả Đinh Quang Chưởng (Phù Yên) mỗi năm sáng tác hàng chục bài đang ca ngợi Đảng, Bác Hồ, công cuộc đổi mới... bổ sung vào “kho tàng văn hóa đang Mường” của anh lên tới hơn 500 bài.
Các hội viên thuộc chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh đã có hàng trăm tác phẩm tham gia dự thi, liên hoan, triển lãm trong và ngoài tỉnh, khu vực và cả nước, lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp muôn màu các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu là các họa sỹ Cà Kha Sam, Lê Chương, Lò An Quang... và các nhiếp ảnh gia Đinh Phong, Xuân Trường, Ngọc Vinh. Các hội viên mảng ca múa nhạc cũng phát huy tốt khả năng sáng tạo, dàn dựng, sáng tác những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc; nhiều ca khúc trở thành biểu tượng văn hóa vùng miền, tiêu biểu là các nhạc sĩ: Mùi Hái, Triệu Tiến Phương, Mè Hoàng Thanh, Xuân Dũng, Bùi Khắc Bạo. Bên cạnh đó, các hội viên ở Trung tâm Văn hóa tỉnh còn sưu tầm, phục dựng thành công nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, như: Lễ hội Hoa Ban, Cầu mùa, Mừng cơm mới, Hạn khuống, Hết chá, Xòe Sơn La...
Năm 2017 và các năm tiếp theo, Chi hội VHNT các DTTS tiếp tục tổ chức cho hội viên nghiên cứu, học tập, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; mở các lớp bồi dưỡng, trại sáng tác; tiếp tục sưu tầm, dàn dựng, biểu diễn và quảng bá tác phẩm, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!